(HNM) - Hệ thống trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội đang không ngừng phát triển về số lượng và đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, dần khẳng định vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại cũng đang gặp một số khó khăn, trong đó điểm nghẽn lớn nhất cần tập trung tháo gỡ là việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Chưa đáp ứng điều kiện để vay vốn
Kết quả rà soát của Sở NN& PTNT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 3.066 trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Hiện, kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều trang trại đã phát huy được lợi thế, cho thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt một số trang trại đạt hơn 5 tỷ đồng/ha/năm trở lên...
Tuy vậy, việc phát triển kinh tế trang trại đang gặp một số khó khăn, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Bà Bùi Hường Bích, chủ trang trại trồng hoa lan công nghệ cao ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, trung bình mỗi năm trang trại sản xuất khoảng 50 nghìn cây hoa lan giống và 20 nghìn cây hoa lan thương phẩm, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Song, để mở rộng quy mô sản xuất, trang trại đang gặp một số khó khăn, nhất là về vốn đầu tư. “Để có thêm từ 5 đến 7 nhà màng, nhà lưới trồng hoa công nghệ cao, chúng tôi đã tiếp cận một số ngân hàng để vay vốn, nhưng do thủ tục phức tạp, phải có tài sản thế chấp, nên chưa vay được”, bà Bùi Hường Bích phản ánh.
Tương tự, nhiều nông dân làm trang trại ở Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất. Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi lợn của ông Phùng Văn Mỵ ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), sau thiệt hại từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, để thúc đẩy sản xuất, ông Mỵ đã liên hệ với tổ chức tín dụng vay khoảng 2 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết. “Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/ NÐ-CP ngày 7-9-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng theo quy định, nông dân chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng bằng tín chấp là quá thấp so với nhu cầu. Trong khi đó, yêu cầu của ngân hàng để được vay các nguồn vốn ưu đãi lớn, trang trại phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và đặc biệt phải có tài sản thế chấp”, ông Phùng Văn Mỵ cho biết.
Một trở ngại nữa là nhiều trang trại chưa quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi. Theo quy định của Bộ NN&PTNT, để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… phải có diện tích từ 2,1ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm... Do đó, trong tổng số trang trại đang hoạt động trên địa bàn thành phố mới chỉ có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho hay, thực tế số hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng từ 1 đến 2 tỷ đồng khá lớn, nhưng khó khăn là các hộ đều phải có tài sản thế chấp. Thậm chí, có trường hợp đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng nhưng cũng chỉ được vay khoảng 20% so với nhu cầu do không có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, theo Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh huyện Đông Anh Nguyễn Hữu Hòa, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng là do các trang trại trên địa bàn thành phố có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư chắp vá...
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng
Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các trang trại, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội cần xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn công khai, minh bạch để người dân dễ dàng tiếp cận. Còn để vay bằng tín chấp từ các tổ chức tín dụng, các trang trại nên thuê một đơn vị tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm tính khả thi.
Trên thực tế, thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại được lồng ghép thông qua các chương trình mục tiêu, xây dựng nông thôn mới... Đơn cử, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức cho các trang trại vay vốn để phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm với mức vay từ 100 đến 500 triệu đồng/dự án. Bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa nhấn mạnh, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chương trình cho vay tín chấp với mức vay tối đa có thể lên tới 100 triệu đồng/hộ gia đình để hóa giải những khó khăn về vốn vay cho phát triển kinh tế trang trại...
Là một trong những đơn vị trực tiếp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh huyện Đông Anh Nguyễn Hữu Hòa cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời làm tốt hơn nữa việc định giá tài sản trên đất để làm tài sản thế chấp cho các trang trại vay vốn phát triển sản xuất...
Để hỗ trợ các trang trại tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã khuyến khích người dân chuyển đổi, chuyển nhượng... tạo quỹ đất sạch để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phát triển trang trại khả thi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án. Các huyện, thị xã tập trung hướng dẫn người dân tài liệu, thủ tục liên quan đến hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định.
"Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, có thể tín chấp bằng các công trình đầu tư trên đất như: Chuồng trại chăn nuôi, nhà lưới, nhà màng...", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.