Mặc dù đối mặt không ít khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Với hệ thống cơ chế, chính sách có tính chiến lược và đột phá được ban hành, nổi bật là “bộ tứ trụ cột” các nghị quyết của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế pháp lý, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân đã, đang mở ra nhiều cơ hội cũng như nuôi dưỡng khát vọng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới.
1. Những tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Con số đáng chú ý nhất là tăng trưởng GDP quý I-2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng trên 26%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 275 tỷ USD, tăng 15%. Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ trên tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”.
Cùng với tập trung tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo. Nổi bật là phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước và phấn đấu trong năm nay sẽ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ ý nghĩa này. Cùng với đó là bố trí nguồn lực thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông từ năm học 2025-2026; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân...
Dù đạt được kết quả rất tích cực nhưng rõ ràng, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, tạo đà tăng hai con số trong những năm tới, chúng ta không được phép chủ quan, bởi phía trước còn phải đối mặt vô số thách thức gay gắt, nhất là yêu cầu ứng phó với những biến động khó lường bên ngoài cùng khối lượng công việc rất lớn. Thực tế này đòi hỏi tất cả bộ, ngành, địa phương quyết tâm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ ở mức độ cao nhất, thậm chí phải đầu tư công sức, trí tuệ gấp nhiều lần so với trước đây. Nói cách khác, mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị cần làm việc với năng suất gấp đôi, gấp ba so với hiện tại, mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội khác.
2. Chúng ta đều hiểu rằng, phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 mới tạo tiền đề vững chắc cho các năm tới chạm đến mức tăng hai con số. Nói một cách hình tượng, tăng trưởng kinh tế của năm nay chính là “cánh cửa” mở ra kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ để hướng đến sự giàu mạnh, thịnh vượng cho đất nước.
Thể hiện quyết tâm chính trị rất cao đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cùng với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang chuẩn bị về đích, thời gian vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết đặc biệt quan trọng là: Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân. 4 nghị quyết là “bộ tứ trụ cột”, thể hiện tư duy chiến lược, tinh thần cải cách và khát vọng phát triển, giúp nước ta “cất cánh” từ năm 2025 - năm bản lề mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
4 chính sách “trụ cột” là nền tảng tư duy cho mô hình phát triển mới của đất nước sẽ được triển khai trên tinh thần: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; tạo đột phá thực sự trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nhấn mạnh 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: Từ "quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.
3. Sự chuyển động nhanh chóng và quyết liệt thể hiện ở tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” từ Trung ương Đảng đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Nổi bật là trong những ngày này, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã bàn thảo sôi nổi, góp ý thực chất vào các dự thảo luật, nghị quyết để khẩn trương thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Đặc biệt, với tinh thần khẩn trương để áp dụng ngay trong năm 2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về “Một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật”, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về “Một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”; bố trí ngân sách thực hiện chính sách miễn học phí đối với cấp học mầm non, phổ thông; bố trí 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Tới đây, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp... với nhiều điểm mới, đột phá cũng sẽ được thông qua, kỳ vọng là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Có điểm chung đáng quan tâm là nhiều cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín lần này sẽ có hiệu lực thi hành ngay trong năm 2025. Đây là chỉ dấu cho thấy, chặng đường từ chủ trương, chính sách đến khi đi vào thực tiễn cuộc sống đã được rút ngắn, tạo hiệu ứng và tác động lan tỏa ngay trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Và chúng ta tin tưởng rằng, với hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật đầy đủ, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng sẽ là cú hích nhằm hóa giải khó khăn, thách thức, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.
Sự kỳ vọng lớn lao này đang tạo ra bầu không khí phấn chấn trong dư luận nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí “trụ cột”, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Chia sẻ cảm nhận về Nghị quyết số 68-NQ/TƯ tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 18-5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền cho biết: “Chúng tôi thấy rằng đây là cuộc cách mạng toàn diện, mang tính giải phóng khu vực kinh tế tư nhân, như nắng hạn gặp mưa rào mà bao năm nay doanh nghiệp tư nhân chúng tôi mong đợi”.
Lời nói từ đáy lòng của doanh nhân Vũ Văn Tiền chắc hẳn cũng là niềm hy vọng lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi, cùng với 3 “trụ cột” về hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, “trụ cột” kinh tế tư nhân đang cho thấy vai trò rất lớn để nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cũng như đạt hai con số trong nhiều năm tới. Minh chứng là khu vực này đã và đang đóng góp lớn vào GDP, tạo ra việc làm, nâng cao năng suất lao động... Thể hiện rõ điều này, tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có hai triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, đóng góp khoảng 55-58% GDP của cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính - người luôn đau đáu về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, đã nhấn mạnh yêu cầu: “Nâng cao vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy “không quản được thì cấm” để phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Phát triển kinh tế tư nhân là con đường tất yếu để khai mở mọi tiềm năng, huy động sức dân, đẩy mạnh đổi mới và hội nhập”.
Suy cho cùng, các yếu tố để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới đang từng bước được tháo gỡ và hoàn thiện. Giờ đây, rất cần sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.