Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế Thủ đô hai tháng đầu năm 2020: Chủ động vượt khó

Hồng Sơn| 09/03/2020 06:34

(HNM) - Dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong hai tháng đầu năm 2020. Trước tình hình này, các cơ quan của thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang chủ động tháo gỡ những khó khăn, để hướng tới sự hồi phục. Nhiều giải pháp linh hoạt đã được đưa ra để kinh tế Thủ đô vượt khó.

Da giày là ngành chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do có 27% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Giày Phú Hà (quận Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc

Tăng, giảm đan xen trong điều kiện bất lợi

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, một phần do nhiều doanh nghiệp đã dự trữ nguồn nguyên liệu, phục vụ sản xuất đến hết tháng 2 hoặc tháng 3 nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố chưa chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 trong hai tháng qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 16,2% so với tháng trước và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đã, đang cho thấy ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thành phố. Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay chỉ đạt 1,728 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: Nông sản giảm 44,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 30,5%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 26,8%... Nguyên nhân là từ trước đến nay, doanh nghiệp Hà Nội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khá nhiều, trong khi hoạt động giao thương đang bị siết chặt đã gây ra ách tắc cục bộ.

Chịu tác động mạnh nhất là các ngành sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị với các nước đang xảy ra dịch Covid-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… và các ngành sản xuất có nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia này. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nêu dẫn chứng, lĩnh vực dệt may bị ảnh hưởng rõ rệt nhất khi 50% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và 10,2% nguyên liệu từ Hàn Quốc; ngành da giày có tới 27% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc; tiếp đó là các nhóm ngành gồm sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải...

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn, chủ yếu do thiếu nguồn cung nguyên liệu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào gây ảnh hưởng trên diện rộng. Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dệt may Thanh Bình (quận Long Biên) cho biết, thời gian qua đơn vị chưa nhập được thêm nguyên liệu, trong khi nguồn dự trữ chỉ có thể đáp ứng thêm khoảng một tháng nữa. Việc tìm nguồn nhập khẩu mới cũng không dễ dàng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Trong bất cứ tình huống nào, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Giao dịch tại bộ phận "một cửa" của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hùng

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều bất lợi, các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó, chủ yếu theo hướng đa dạng hóa nguồn cung. Bà Hoàng Hương Giang, Trưởng phòng Thị trường II, Tổng công ty May 10-CTCP cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh tìm hiểu khả năng sản xuất và cung ứng nguyên liệu của doanh nghiệp trong nước để chủ động hơn trong tìm nguồn cung nguyên liệu. Ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết: "Thời gian tới, công ty sẽ tập trung khai thác thị trường nội địa, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phát triển bền vững", ông Phạm Hữu Hùng thông tin.

Trong khi đó, chính quyền thành phố và các ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội... đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tận dụng dư địa cải cách để phục vụ doanh nghiệp. Theo ông Trần Hà Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất một số cải cách, như tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu (về số lượng, hình thức, nội dung) cho doanh nghiệp; nghiên cứu khả năng bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình sử dụng lao động...

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới. Tất cả nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử...). Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Nga, châu Mỹ Latinh, châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau cả về nguyên liệu, vốn và thông tin thị trường... là các giải pháp đang được những thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thực hiện để cùng nhau vượt qua khó khăn. Còn bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho biết: "Hội đã đề xuất lùi, giãn, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 3 đến 6 tháng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn".

Tại cuộc họp về đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong bất cứ tình huống nào thì các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa nhằm giảm thời gian, chi phí; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh... Ngoài ra, có thể thành lập các tổ công tác - đầu mối để liên hệ với các doanh nghiệp (phân theo nhóm ngành, lĩnh vực), nhờ đó nắm bắt vướng mắc và phối hợp giải quyết; tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân cho vay qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gợi ý về việc phát huy sức sáng tạo của doanh nghiệp, trong đó dù đối diện khó khăn, nhưng vẫn có thể phát hiện ra cơ hội mới để có thể chuyển hóa thành những phương án kinh doanh cụ thể hoặc là để khởi nghiệp...

Kinh tế Thủ đô đang và sẽ đối mặt nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Dù vậy, sự điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của doanh nghiệp đang là cơ sở để hy vọng sẽ giúp kinh tế Thủ đô tìm được lối đi phù hợp, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế Thủ đô hai tháng đầu năm 2020: Chủ động vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.