(HNM) - Việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), dự kiến có hiệu lực từ cuối quý I-2020, được đánh giá là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi hội nhập, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc có tận dụng được cơ hội này hay không lại đang là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp và người chăn nuôi Việt Nam.
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Thực trạng này dẫn đến hàng loạt khó khăn trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm... Đây là những yêu cầu phải giải quyết sớm để nhanh chóng tiến tới nền sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, mối nguy từ dịch bệnh luôn rình rập cũng phải đặc biệt lưu tâm. Điều này càng được thể hiện rõ hơn từ đầu năm 2019 đến nay, khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và hiện vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Hệ quả là nguồn cung trong nước có dấu hiệu thiếu hụt. Trong 8 tháng năm 2019, số lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn đến nguy cơ sản phẩm chăn nuôi trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ sản phẩm ngoại nhập - vốn có nhiều ưu thế hơn hẳn. Đáng quan tâm hơn là theo lộ trình thực hiện các hiệp định thương mại, sản phẩm chăn nuôi của nhiều nước có thế mạnh về nông nghiệp sẽ còn thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0%...
Những phân tích trên cho thấy, việc tiếp tục tái cơ cấu một cách khoa học và bài bản hơn để phát triển bền vững ngành chăn nuôi là yêu cầu cấp bách.
Trước hết, cần điều chỉnh quy hoạch dài hạn và trung hạn ngành chăn nuôi, bảo đảm phù hợp lợi thế từng vùng miền, xu hướng tiêu dùng và quy định, rào cản kỹ thuật của những hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Chiến lược về cơ cấu chăn nuôi phải theo xu hướng, quy luật chung của thế giới: Giảm chăn nuôi lợn, tăng gia cầm, gia súc ăn cỏ. Hiện, cơ cấu này ở nước ta đang mất cân đối, chăn nuôi lợn chiếm đến gần 70%. Trong khi đó, bất kể điều kiện khí hậu, tỷ lệ chăn nuôi phù hợp ở các nước luôn ở mức: Gia cầm 40%, gia súc ăn cỏ 35-40%, lợn 20-25%.
Trên cơ sở này, các địa phương phải hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm, khép kín, tập trung xa khu dân cư, theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ cao - trong đó chú trọng các biện pháp an toàn sinh học. Đây là yêu cầu bắt buộc để tăng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế rủi ro dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi cần thiết phải xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng để bảo đảm các sản phẩm có thông tin minh bạch khi đến tay người tiêu dùng và đặc biệt là không bị phụ thuộc vào khâu trung gian.
Việc đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước cũng cần được các ngành chức năng, địa phương quan tâm, giúp người chăn nuôi trong nước nhanh chóng tiếp cận được trình độ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường. Cùng với đó là thực hiện tốt việc dự báo thị trường trong nước và thế giới; xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp khi giá cả sản phẩm chăn nuôi biến động hoặc có dịch bệnh xảy ra...
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp, người chăn nuôi phải có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm uy tín.
Cơ hội đã rộng mở. Vì vậy, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước cần chủ động khắc phục tồn tại, tận dụng cơ hội để phát huy thế mạnh, hướng đến phát triển bền vững, trước hết giữ vững được "sân nhà" và thực hiện mục tiêu xa hơn là xuất khẩu
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.