Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số

Thanh Hà| 02/11/2021 15:28

(HNMO) - Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 2 đến 6-11, trên nền tảng trực tuyến.

Với chủ đề "Thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế", hội nghị dự kiến thu hút 10.000 đại biểu tham gia và theo dõi. Riêng phiên khai mạc 10h sáng 2-11, kết nối 70 điểm cầu trực tuyến, có khoảng 1.300 đại biểu đến từ 12 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.

Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 dự kiến thu hút 10.000 đại biểu tham dự, tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm ban hành văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, như "Khung tham chiếu công nghệ thông tin - truyền thông", "Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh" và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương" – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định. 

Còn theo ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO, hiện nay hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Đến năm 2050, cứ 10 người thì có 7 người sẽ sống ở các đô thị, trong khi diện tích của các đô thị trên thế giới chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, các thành phố lớn chiếm đến hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu và 60 đến 80% tiêu thụ năng lượng. Do vậy, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra thêm nhiều thách thức... 

Cũng tại hội nghị, đại diện các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tham luận và thông tin về một số vấn đề phát triển đô thị thông minh. Theo đó, phát triển thành phố thông minh vẫn là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các nền kinh tế trong khu vực. Chính phủ các nước ASEAN cũng đã hưởng ứng thành lập mạng lưới thành phố thông minh với sự tham gia của 26 thành phố trong khu vực. ASOCIO đã thành lập riêng Ủy ban thành phố thông minh để thúc đẩy xu hướng này. 

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố triển khai thành phố thông minh. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các tỉnh, thành phố đã triển khai cao nhất (100%). Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông và phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh...

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp phục hồi sau đại dịch. Điều này được thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng, dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội. Sự chia sẻ và liên kết giữa các thành phố, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ sẽ giúp các thành phố trở lại nhịp độ phát triển, để người dân được bình an, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.