(HNM) - Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới.
Điểm đáng chú ý tại nghị quyết này là nhận định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Đến năm 2045 có ít nhất 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế…
Thực tế đến nay, tốc độ đô thị hóa cả nước đã đạt 40%. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 870 đô thị. Các đô thị hình thành, phát triển thường gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa của mỗi địa phương, khu vực. Khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP, mà còn thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, giáo dục, y tế…
Tuy nhiên, mạng lưới đô thị cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ và quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt, biến đổi khí hậu, thiên tai đang ảnh hưởng đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính, 138 đô thị có nguy cơ ngập cao; 143 đô thị bị tác động bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Vì thế, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ là định hướng để Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng chính sách phát triển, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho nhiệm vụ này. Dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TƯ do Ban Bí thư Trung ương tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể. Bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Điều đó có nghĩa trước hết phải hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, bao gồm ở cả khía cạnh phát triển và bền vững. Thể chế tốt là điều kiện quan trọng để khắc phục bất cập và thực hiện hiệu quả các định hướng, đó là phát triển đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, phải làm tốt quản lý đô thị, bao gồm quy hoạch đồng bộ, đi trước một bước; đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm. Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị; phát huy, khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Từ thống nhất nhận thức đến thống nhất hành động, chắc chắn nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống, hình thành mạng lưới đô thị phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.