Chính trị

70 năm vang mãi hào khí Điện Biên PhủBài 2: Giá trị của hòa bình

Nhóm phóng viên 23/04/2024 06:34

Trong hành trình về Điện Biên, Lai Châu đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), chúng tôi - những cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới may mắn được gặp mặt những nhân chứng, cựu chiến binh đang ngày đêm truyền ngọn lửa yêu nước, giúp thế hệ trẻ hiểu thấu giá trị của hòa bình và cả những người con, dù chiến tranh đã lùi xa vẫn đau đáu đi tìm mộ bố.

dien-bien.jpg
Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ (trên di tích đồi F, thành phố Điện Biên Phủ) là công trình thể hiện sự trang nghiêm, linh thiêng, xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ và những hy sinh to lớn của các liệt sĩ, đồng bào cả nước. Ảnh: Tuấn Điệp

Những nhân chứng đặc biệt

Buổi chiều chạng vạng trên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi tình cờ được gặp những nhân chứng rất đặc biệt - đó là những người con của các liệt sĩ Điện Biên, quay lại chiến trường xưa để tìm thông tin về cha mình.

Ở tuổi 84, PGS.TS Ngô Trí Phúc, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn lần từng ngôi mộ để thắp hương cho các đồng đội của bố - liệt sĩ Ngô Trí Lan. Theo giấy báo tử, cha ông hy sinh trên đường 41 thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu (Lai Châu và Điện Biên hôm nay). Dù đã nhiều lần tới các nghĩa trang khu vực Tây Bắc, đi dọc từ ngã ba Cò Nòi Mai Sơn (Sơn La) lên đến Điện Biên, Lai Châu, ông vẫn chưa tìm thấy phần mộ của bố. Nhìn dáng lưng còng của ông bên hàng bia mộ không tên chất chứa nỗi đau của người con đi tìm bố, lòng chúng tôi trĩu nặng...

Ông Ngô Trí Phúc (con liệt sĩ Ngô Trí Lan hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ) thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.

PGS.TS Ngô Trí Phúc tâm sự: “Trước khi hy sinh, bố có gửi thư về trường cấp 2 nơi tôi đang học ở Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), động viên tôi vừa học, vừa tham gia hoạt động ở quê. Vì thế, khi đó, mới 14 tuổi, tôi đã nỗ lực học giỏi, tích cực tham gia phong trào cải cách ruộng đất. Lớn lên, vào đại học, tôi nhiều lần được Nhà nước cử đi nước ngoài học tập, tu nghiệp và sau đó về nước dạy học cho đến khi nghỉ hưu”.

Suốt 40 năm công tác, khi có dịp, ông lại về thăm các nghĩa trang, thắp nén hương cho các đồng đội của bố và hy vọng bố cũng nằm trong số những ngôi mộ không tên ấy. Ông chia sẻ: “Dù không tìm thấy mộ bố nhưng những năm qua, tôi đã sống và cống hiến cho đất nước đúng như những gì bố tôi từng dặn dò, mong muốn. Niềm an ủi lớn nhất đối với tôi là tôi tin bố đã được hội ngộ cùng đồng đội, nằm lại với bờ cõi non sông đất nước, cùng với chúng tôi xây dựng Tổ quốc ngày một đẹp tươi...”.

Khác với ông Phúc, chị em bà Lương Thị Hải, quê Yên Bái, lại đón niềm vui lớn khi tìm thấy tên bố mình được khắc trên tường bia ghi danh các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 Điện Biên Phủ. Bà Lương Thị Hải vừa nói vừa chảy nước mắt: “Bố tôi hy sinh khi tôi mới 4 tuổi, em gái chưa tròn 1 tháng tuổi nên trong đầu óc non nớt của mình, chúng tôi không thể hình dung về bố mình…”.

Chị em bà Lương Thị Hải vui mừng khi tìm thấy tên bố mình được khắc trên tường bia ghi danh các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 Điện Biên Phủ.

Cũng may, nhờ được hưởng chế độ gia đình người có công nên cuộc sống của chị em bà phần nào đỡ vất vả hơn. 17 tuổi, nhờ là con liệt sĩ, bà được tạo điều kiện vào làm trong đơn vị của Nhà nước. Năm nay, 70 năm sau ngày bố hy sinh, chị em bà lần đầu được lên Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa của bố. Dù chưa tìm thấy phần mộ, không đưa được bố về quê nhưng chị em bà thật sự ấm lòng khi thấy tên bố mình trên bảng vàng Tổ quốc ghi công.

Truyền tỏa tình yêu nước cho thế hệ trẻ

Đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ dẫn chúng tôi đến thăm ông Bùi Kim Điều, ở phố 9, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà của người chiến sĩ Điện Biên này vẫn lưu giữ những kỷ vật ghi dấu cách đây 70 năm, khi ông còn là chiến sĩ liên lạc thuộc Đại đội 405, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn 12). Ông vinh dự tham gia trận đánh ngày 13-3-1954, thuộc đợt tiến công thứ nhất trong 3 đợt tiến công - 56 ngày, đêm chấn động địa cầu. Mặc dù đã bước sang tuổi 95, song ký ức về trận đánh lịch sử vẫn hiện rõ trong tâm trí ông. Giọng nói sang sảng, đầy nội lực, ông kể cho chúng tôi nghe toàn bộ quá trình công tác, nhất là trận đánh cứ điểm Him Lam - nơi được thực dân Pháp coi là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm.

Cựu chiến binh Bùi Kim Điều (phố 9, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Đơn vị tôi được báo tin là đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi người háo hức để chuẩn bị lên đường… Đi từ Thanh Hóa đến nơi mất 24-25 ngày. Lên đến Điện Biên, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho nhiệm vụ đánh trận mở màn, mọi người rất là khí thế, đào hầm hào, chuẩn bị mọi việc cho ngày nổ súng”, ông Điều kể.

Trận đánh mở màn tại Him Lam bắt đầu vào 17h05, ngày 13-3-1954. Toàn bộ lực lượng pháo binh, 40 khẩu pháo của ta đồng loạt bắn tập kích vào cứ điểm Him Lam và phân khu trung tâm, yểm hộ cho bộ binh tấn công. Trận chiến diễn ra ác liệt, nhiều ổ súng ngầm của quân Pháp bất ngờ xuất hiện, trút hỏa lực vào đội hình xung kích của ta. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt được cứ điểm 3, còn ở cứ điểm 1 và 2, ta và địch trong thế giằng co quyết liệt. Tiểu đội phó bộ binh Phan Đình Giót, Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, đã anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội xông lên tiêu diệt địch. Vào 22h30 cùng ngày, ta đã giải phóng hoàn toàn cứ điểm Him Lam.

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên đỉnh Him Lam đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - đủ sức tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn tinh nhuệ bậc nhất của địch trong công sự vững chắc. Kết thúc trận đánh mở màn, ta đã tiêu diệt được hơn 300 tên địch, bắt sống 200 tên, xóa sổ 1 tiểu đoàn địch, làm chủ cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, mở cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc Điện Biên Phủ, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

“Lúc đó, tôi và đồng đội vui mừng lắm”, cựu chiến binh Bùi Kim Điều chia sẻ, đồng thời bày tỏ: “So với đồng đội, tôi là người may mắn, rất vinh dự khi còn sống đến giờ, sức khỏe còn bảo đảm, trí nhớ vẫn còn minh mẫn để truyền tỏa tình yêu nước cho thế hệ trẻ, để chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên hôm nay. Nếu so với trước đây, Điện Biên hôm nay đã thay đổi mấy chục lần”.

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Luận mới 14 tuổi. Nhưng qua những câu chuyện của người chú trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kể lại và sự nghiên cứu của bản thân, ông hiểu rất rõ ý nghĩa của chiến thắng. Vì vậy, trong những buổi giáo dục truyền thống, nói chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông luôn cố gắng trao đổi theo cách dễ hiểu nhất để giúp các em học sinh trên địa bàn tỉnh tự hào rằng: Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước phát triển đến đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ. Để đi tới và làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Trong đó, điểm nổi bật là chủ động, sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, triệt tiêu ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao của địch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa ở châu Á đã chiến thắng một nước thực dân phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Luận, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu.

Hiểu rõ lịch sử, đặc biệt về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, lịch sử của quê hương, đất nước; biết trân trọng giá trị của hòa bình, từ đó nhân lên niềm tin, niềm tự hào dân tộc, phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành người công dân có ích cho đất nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
70 năm vang mãi hào khí Điện Biên Phủ Bài 2: Giá trị của hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.