Chính trị

70 năm vang mãi hào khí Điện Biên

Nhóm phóng viên 22/04/2024 06:46

LTS: Trải qua 56 ngày, đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết: “70 năm vang mãi hào khí Điện Biên”.

dien-bien-phu-hom-nay-khoac.jpg
Điện Biên Phủ hôm nay khoác lên mình tấm áo mới đẹp đẽ, khang trang.

Bài 1: Tự hào mảnh đất anh hùng

Những ngày này, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở khách từ khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè năm châu đến tham quan những địa danh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên. Cả lòng chảo Điện Biên đang sống trong không khí hào hùng của những ngày chiến thắng. Trong niềm vui chung, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu càng thêm tự hào, trân trọng những đóng góp cùng quân, dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".

Cùng hướng về chiến trường Điện Biên Phủ xưa

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các di tích lịch sử: Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, di tích Mường Phăng, Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm Đờ Cát-xtơ-ri… là những địa danh lịch sử mà bất cứ ai đến với Điện Biên đều không thể bỏ qua. Càng ý nghĩa hơn, khi đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ được gắn biển "Giải đặc biệt" trong hệ thống giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022. Đây là công trình mang điểm nhấn đặc biệt quan trọng, được xây dựng trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt "Chiến trường Điện Biên Phủ" cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa.

Thuyết minh viên Lò Thị Kim giới thiệu với khách tham quan các trưng bày chuyên đề. Trong ảnh: Mô phỏng bộ đội kéo pháo cao xạ tại chiến trường Điện Biên Phủ (tầm bắn hiệu quả dưới mặt đất là 4km, trên cao là 3km).

Để giúp du khách hiểu rõ hơn về diễn biến, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đội ngũ thuyết minh viên, trong đó có chị Lò Thị Kim (thuyết minh viên tại điểm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) đã làm việc không kể giờ giấc. Là người dân tộc Thái, chị Lò Thị Kim vô cùng tự hào được lớn lên trên mảnh đất này và được làm việc tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Qua lời thuyết minh ấm áp của chị đã giúp du khách hiểu rõ: Sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến, đến giữa năm 1953, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, thực dân Pháp rơi vào tình thế bị động, lúng túng. Trước nguy cơ thất bại, được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp xây dựng và triển khai Kế hoạch Nava, tăng thêm binh lực, vật lực, với tham vọng xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng.

Trên cơ sở phân tích về địch và khả năng của ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta… Các đòn tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy Kế hoạch Nava bước đầu phá sản. Trước tình hình đó, địch đã tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh.

Trải qua 56 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, chiều 7-5-1954, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao để đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

“Tôi đã làm công việc này hơn 3 năm, thuyết minh cho rất nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước, trong đó có các cựu chiến binh, có người hơn 90 tuổi vẫn cố gắng trở lại thăm chiến trường xưa… Tôi luôn cảm nhận được niềm tự hào của khách tham quan là người Việt Nam, sự cảm phục của khách quốc tế khi nghe thuyết minh tại nhà trưng bày cố định của bảo tàng, được chiêm ngưỡng bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ - một trong 3 bức tranh lớn nhất thế giới”, chị Lò Thị Kim chia sẻ.

Mãi là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn

Cùng với làm tốt công tác tiếp đón các đoàn tham quan Điện Biên, chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7-5, những ngày này, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước chống quân xâm lược.

Cách đây 70 năm, vào thời gian Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) động viên nhân dân huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của mặt trận theo phương châm: “Huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng đã đóng góp rất tích cực cho chiến dịch. Dù đời sống còn thiếu thốn nhưng khi biết có Đảng, có bộ đội đến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và những kẻ trước đó cướp của, giết người, phá bản thì đồng bào sẵn sàng "đói hơn, vất vả hơn" để nhường lương thực cho bộ đội.

Với tinh thần ấy, toàn tỉnh Lai Châu khi đó, từ vùng thấp đến vùng cao, đồng bào các dân tộc nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm và lên đường phục vụ chiến dịch, tham gia chiến đấu. “Trong thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển Sở Chỉ huy chiến dịch từ bản Huổi He, xã Nà Tấu về Mường Phăng (từ ngày 31-1 đến 15-5-1954), nhân dân thuộc cộng đồng các dân tộc ở Mường Phăng cùng lực lượng công binh khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch, giữ bí mật cho các lực lượng xây dựng căn cứ, góp phần bảo đảm chiến dịch toàn thắng”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn thông tin.

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Ban Cán sự đảng tỉnh đã đề ra chương trình, kế hoạch công tác, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm chỉ đạo phong trào, điều động một số cán bộ xuống giúp cán bộ cơ sở tổ chức huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch.

Các ngành của tỉnh tuy mới thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng để phục vụ tốt chiến dịch. Khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, từ đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Kinh đến Hà Nhì, Mảng, Khơ Mú..., người người, nhà nhà thi đua tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Tại địa bàn huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo, nơi tiếp giáp với mặt trận, người dân tích cực chuẩn bị mọi cơ sở vật chất và tạo điều kiện tốt nhất cho chiến dịch, củng cố, bảo vệ cơ sở, chuẩn bị sức người, sức của, kho tàng, phương tiện và sẵn sàng huy động lương thực, thực phẩm khi chiến dịch yêu cầu.

Hố bộc phá trên di tích Đồi A1.

Cùng với phục vụ chiến trường, quân và dân trong tỉnh còn tham gia công tác tiễu phỉ góp phần làm trong sạch địa bàn cơ sở. 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và tỉnh tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch là minh chứng rõ nhất cho những đóng góp của quân và dân địa phương.

Có thể nói, những đóng góp của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu khi đó là nhân tố quan trọng góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại kẻ thù dù mạnh hơn nhiều lần.

70 năm đã qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu cùng đoàn kết, vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70 năm vang mãi hào khí Điện Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.