Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy

Nhóm phóng viên Văn hóa - Xã hội| 05/08/2021 06:12

LTS: Văn hóa là dòng chảy bất tận của Thăng Long - Hà Nội và công nghiệp văn hóa là một thực thể trong dòng chảy ấy. Việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để khơi thông dòng chảy công nghiệp văn hóa, góp phần giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy".

Sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, nhưng công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong ảnh: Khách tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Quang

Bài 1: Những mạch ngầm văn hóa

Cuộn chảy những mạch ngầm văn hóa nghìn đời, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị của dân tộc... Nói cách khác, tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội gắn bó chặt chẽ với sáng tạo văn hóa và nơi đây cũng là một thị trường văn hóa mang nét đặc sắc riêng có. Hơn nghìn năm rộng dài lịch sử, người Hà Nội được thừa hưởng năng lực sáng tạo, tinh thần Thăng Long và kho tàng di sản hiếm nơi nào có được - một "mỏ vàng" để khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa.

Nghìn năm lắng đọng, đắp bồi

Sản phẩm công nghiệp văn hóa được tạo dựng từ những chất liệu văn hóa, như: Lịch sử, tri thức, di sản... Trên thế giới không phải thành phố nào cũng có được vốn liếng văn hóa từ dòng chảy hơn nghìn năm lịch sử. "Hà Nội không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á, bởi sở hữu một nền văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới", Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro đã nói như vậy về Hà Nội.

Trong kho tàng văn hóa mà các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay, không thể không nhắc đến hệ thống di sản dày đặc với gần 6 nghìn di tích lịch sử trải rộng trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xứ Đoài và Sơn Nam Thượng; hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc, biểu đạt cho tâm hồn, tín ngưỡng, ước vọng của mỗi cộng đồng dân cư... Câu chuyện ngược dòng thời gian với Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín về những giá trị văn hóa qua lớp lớp di vật khảo cổ của một tòa thành chất chứa bao thăng trầm lịch sử, cho thấy: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới - một báu vật giữa lòng Hà Nội, một trong những đại diện tiêu biểu cho hàng nghìn di sản quý giá của đất Thăng Long.

Gắn bó với nền văn minh lúa nước và những dòng sông, làng nghề thủ công truyền thống là một kho báu khác của Hà Nội, khi chứa đựng không gian tâm thức cộng đồng, cũng là nơi lưu giữ những giá trị căn cốt của văn hóa Việt. Mặt khác, Kinh đô không chỉ là biểu tượng khát vọng của các vương triều, mà còn là chốn "phồn hoa đô hội", thu hút người thập phương đổ về lập ra những phường nghề, phố nghề. Những con phố có chữ "hàng" gắn với một nghề thủ công ghép thành "ba sáu phố phường"...

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết: "Thành phố có 292 làng nghề truyền thống được công nhận, đa dạng từ sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan... đến đúc đồng, tạc tượng. Thời điểm hiện tại, nhiều làng nghề đã gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ", như: Điêu khắc Sơn Đồng, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc...". Mỗi làng nghề một sắc thái được hun đúc từ tinh thần "sinh ư nghệ, tử ư nghệ" và chứa đựng những giá trị phi vật thể trường tồn cùng năm tháng. Trong thẳm sâu tâm thức, phố nghề Hà Nội lắng đọng những giá trị riêng có, nhiều nhà nghiên cứu gọi là "hồn cốt kinh kỳ".

Hà Nội còn là thành phố của sự đa dạng với nhiều lớp kiến trúc lịch sử, hội tụ hài hòa giữa phong cách châu Âu và tinh thần Việt. Những người yêu nghệ thuật kiến trúc có thể tìm thấy ở mảnh đất này đủ loại phong cách: Trường phái nghệ thuật và trang trí Art Deco trên công trình trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Bưu điện Hà Nội; Neo - Gothic ở Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Hàm Long; Tân cổ điển với đại diện là Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, khách sạn Metropole; kiến trúc Pháp - Hoa trên nhà hàng Thủy Tạ... Trong đó, đại diện tiêu biểu phải kể đến kiến trúc Đông Dương, hiện hữu trên nhiều con phố nội đô đến những làng quê ngoại thành trù phú, như: Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên); làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai)...

Không chỉ là "thành phố sông hồ", Hà Nội còn có cơ sở hạ tầng phong phú, gồm rất nhiều công viên, bảo tàng, nhà hát, phòng trưng bày, con đường, con phố nghệ thuật... và rất nhiều không gian gây bất ngờ khác, có thể chắp cánh cho năng lượng sáng tạo, như những nhà máy cũ hay những vùng đất bãi ven sông. Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội là thành phố di sản có thể sánh với nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới. Những phố nghề - làng nghề, những di sản văn hóa, lịch sử, những không gian đô thị, làng quê đều là những sản phẩm văn hóa; đồng thời là chất liệu sáng tạo - nguồn "nguyên liệu" bất tận cho công nghiệp văn hóa.

Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (quận Thanh Xuân) là một trong những không gian văn hóa - sáng tạo nổi bật của thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy

Mạch ngầm và những "mỏ vàng"

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, với bề dày hàng nghìn năm văn hiến cùng kho tàng di sản văn hóa to lớn, nơi hội tụ nhân tài từ những bậc trí giả học thức uyên thâm đến những người "khéo tay hay nghề"..., Thăng Long - Hà Nội theo thời gian hình thành những lớp cư dân tinh tế, có khiếu thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật. "Ở bất cứ đâu cũng có thể tìm thấy những dấu ấn sáng tạo mang tinh thần Thăng Long, minh chứng cho việc Hà Nội luôn là nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sáng tạo", ông Nguyễn Viết Chức nhận định.

Năng lực sáng tạo của người Hà Nội không chỉ thể hiện qua việc tạo tác những báu vật trường tồn cùng lịch sử, như: Pho tượng đồng đen khổng lồ tạc đức Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh; bộ tượng các vị La hán chùa Tây Phương; tượng đôi sư tử đá ở đền - chùa Bà Tấm; bức chạm phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Lạc Long Quân..., mà còn ở những sản phẩm thủ công hết sức bình dị, như nón lá làng Chuông, tò he Xuân La, chuồn chuồn tre Thạch Xá... Ở lĩnh vực trình diễn nghệ thuật, những chủ nhân Thăng Long - Hà Nội ghi dấu ấn sâu đậm qua những tác phẩm lễ nhạc, vũ điệu cung đình, nghi thức thực hành lễ hội hay bao tích trò, làn điệu dân ca đầu làng, cuối xóm.

Trong không gian đổi mới và hội nhập quốc tế, lớp lớp làn sóng sáng tạo của người Hà Nội tiếp tục kế thừa, hình thành nên những giá trị mang hơi thở thời đại. Dấu ấn tiếp biến trong sáng tạo nghệ thuật thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực mỹ thuật với các khuynh hướng sáng tác cũng như trào lưu nghệ thuật đương đại, như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện, video art (video nghệ thuật)... Lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn cũng đọng lại nhiều ý tưởng mới, như: Mô hình kịch hình thể, chương trình đưa nhạc giao hưởng xuống phố... Đặc biệt, các không gian văn hóa sáng tạo đương đại ở Thủ đô, như: Vụn, Nhà Sàn, Vincom, Heritage Space, 282 Design... đã khoác thêm cho mảnh đất nghìn năm văn hiến một hình hài năng động, truyền cảm hứng sáng tạo cho "giới nghề" và công chúng theo hướng tiếp cận thị trường văn hóa hiện đại.

Một điều không thể không nhắc tới trong vai trò thành tố cơ bản của công nghiệp văn hóa là thị trường văn hóa. Với đặc điểm "hội tụ, kết tinh, lan tỏa", Thăng Long - Hà Nội đã hình thành từ rất sớm một thị trường văn hóa với nhiều sản phẩm được xếp hạng tinh hoa "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã". Đến những năm đầu của thế kỷ XX, các con phố Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông không chỉ có lụa tơ tằm Hà Đông, mà còn bày bán lụa Bombay từ Ấn Độ; các loại mỹ phẩm, nước hoa từ châu Âu. Và từ những cuộc đấu xảo quốc tế, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đã vươn tới các thị trường Âu - Mỹ. Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - giải trí, du lịch - lữ hành... ngày càng nhiều; thị trường văn hóa ngày càng rộng mở. Các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như: Du lịch di sản, báo chí - xuất bản, điện ảnh - truyền hình, âm nhạc, giải trí công cộng... cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa, liên kết đa lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng thời hiện đại.

Kinh thành văn hiến nghìn đời ẩn chứa dấu ấn lịch sử của một dân tộc với những thành quách - đền đài, làng nghề - phố nghề; những không gian đô thị thể hiện lối kiến trúc pha trộn Đông - Tây; kho tàng di sản đa dạng, phong phú cùng một thị trường văn hóa vừa rộng mở, vừa có chiều sâu. Đây là nguồn lực nội sinh vô cùng to lớn - nguồn nguyên liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo và cũng là "bệ đỡ" cho công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển tới đỉnh cao. Vấn đề là tận dụng và phát huy nguồn lực ấy thế nào? Đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển Thủ đô đặt ra trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Theo Công ước năm 2007 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất sản phẩm, dịch vụ dựa vào tri thức.

Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội, tập quán tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian...; 1.350 làng nghề; 170 bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng trưng bày nghệ thuật; 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật; 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.