Văn hóa

Hà Nội làm rất tốt công tác bảo tồn di tích, phát triển công nghiệp văn hóa

Mai Hữu 21/08/2024 - 12:09

Sáng 21-8, trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, Hà Nội là địa phương làm rất tốt công tác bảo tồn di tích, phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa.

ubtvqh9.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) về di tích Cột cờ Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, di tích nằm trong khuôn viên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được cấp có thẩm quyền vinh danh, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cụ thể là chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Như vậy, thẩm quyền chính (quản lý, bảo vệ - PV) thuộc UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử, có sự giao thoa (quản lý - PV) với Bảo tàng Quân sự (Bộ Quốc phòng).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, thành phố Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo di tích này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn trả lời về ý kiến thẩm định và đề nghị thành phố sớm giải tỏa mặt bằng thông thoáng.

Hy vọng với cách làm của thành phố Hà Nội và sớm thống nhất với Bộ Quốc phòng, di tích này sẽ được quản lý tốt hơn. Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để di tích này phát huy hiệu quả nhất giá trị - Bộ trưởng nói.

ubtvqh11.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Về vấn đề tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) tranh luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã chủ động trong công tác tham mưu. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp... Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng...

Vừa qua, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã cho phép Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội làm rất tốt công tác bảo tồn di tích, phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.