(HNM) - Từ ngày 1-10-2017, Bộ NN&PTNT sẽ dừng nhập khẩu kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, trong đó có cả 15 loại kháng sinh được quy định về hàm lượng cho phép sử dụng. Việc làm kịp thời này nhằm góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững
Việc loại trừ kháng sinh kích thích tăng trưởng sẽ góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn. Ảnh: Nhật Nam |
Nhạy bén "đi trước"...
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nước ta tăng trưởng ấn tượng (5-6%/năm). Tuy nhiên, việc lạm dụng chất kháng sinh kích thích tăng trưởng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như lưu thông, tiêu dùng. Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gia súc, gia cầm, thủy sản... được đánh giá nguy hiểm hơn chất tạo nạc. Nếu lạm dụng, có thể gây phá vỡ hệ vi sinh đường ruột của vật nuôi, dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Người sử dụng thực phẩm này bị ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, suy giảm sức đề kháng cơ thể, gây nên tình trạng kháng thuốc. Nhằm loại bỏ kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN, từ ngày 1-10 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ dừng nhập khẩu hoàn toàn, trong đó có cả 15 loại kháng sinh được quy định về hàm lượng cho phép sử dụng. Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2018, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để những trường hợp buôn bán, sử dụng các loại TĂCN chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng.
Bằng tư duy kinh doanh nhạy bén với xu hướng, nhiều doanh nghiệp đã sớm chuẩn bị cho lộ trình này. Bà Trương Thúy Hường, Giám đốc Công ty Me Non Hà Nội (chuyên cung ứng các loại phụ gia TĂCN) cho hay: Trước đây, mỗi tháng công ty tiêu thụ trung bình từ 20 đến 30 tấn chất kháng sinh kích thích tăng trưởng, nhưng gần đây, các công ty sản xuất TĂCN đã có biện pháp thay thế nên sức tiêu thụ giảm mạnh (chỉ còn 5-7 tấn/tháng). Dù còn hơn 4 tháng nữa mới đến thời hạn Bộ NN&PTNT dừng nhập khẩu các chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN nhưng công ty đã ngừng các hoạt động nhập khẩu các chất đó từ đầu tháng 4-2017.
Tương tự, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Công ty CP Mavin Austfeed, chia sẻ: Do nghiên cứu thị trường trong nước và thế giới, nắm bắt xu hướng tất yếu phải loại trừ các chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN nên từ cuối năm 2016, công ty đã ngừng nhập mặt hàng này. Hiện nay, công ty đã chủ động loại bỏ hoàn toàn các chất kích thích tăng trưởng trong dây chuyền sản xuất.
Giải pháp thay thế
Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm và giải pháp thay thế kháng sinh trong TĂCN” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Trưởng phòng Quản lý TĂCN (Cục Chăn nuôi) Chu Đình Khu cho biết: Bộ NN&PTNT đã và sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn trong sản xuất TĂCN nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm sinh học, thảo dược thay thế các chất bị cấm. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã được giới thiệu những phương pháp sinh học tiên tiến nhất do các tập đoàn công nghệ sinh học uy tín của Mỹ nghiên cứu và thử nghiệm. Thành tựu khoa học này là giải pháp bền vững, hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất TĂCN, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới và yêu cầu hội nhập. Trong đó, điển hình là công nghệ lên men BiOWiSH của Mỹ với nhiều yếu tố ưu việt, không chứa thành phần biến đổi gen và hiệu quả phổ rộng với các điều kiện sinh học, môi trường... bước đầu được doanh nghiệp sản xuất TĂCN đánh giá cao.
Với mục đích loại bỏ các chất kích thích tăng trưởng, ông Nhữ Đình Tú, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Lebio cho biết: Từ ba năm nay, công ty đã lựa chọn phương pháp sử dụng TĂCN sinh học, hình thành chuỗi liên kết hơn 100 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận với nhà máy sản xuất TĂCN theo công nghệ vi sinh. Sử dụng loại TĂCN này, nông dân giảm được giá thành sản xuất, chất lượng thịt lợn thơm ngon hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng chiếm lĩnh thị trường tốt (hiện chuỗi thịt lợn an toàn sinh học của Lebio đang tiêu thụ khoảng 1-2 tấn/ngày).
Tương tự, đại diện mô hình chuỗi thịt lợn sinh học Xuka tự tin cho biết, doanh nghiệp này hoàn toàn ủng hộ hành động tích cực của Bộ NN&PTNT khi cấm sử dụng chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN, vì đây là việc làm cấp thiết để tạo dựng một nền chăn nuôi an toàn, bền vững. Mặc dù thời điểm này giá lợn hơi giảm nhưng tại các trang trại chăn nuôi sử dụng TĂCN an toàn sinh học trong chuỗi Xuka vẫn được thu mua với giá 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi ổn định. Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý việc sử dụng TĂCN nhằm “xóa” định kiến: phát triển nóng, tự phát, lạm dụng chất kháng sinh kích thích tăng trưởng...
Trong khi chờ ban hành chế tài xử lý vi phạm, trước mắt, để ngăn chặn tình trạng vì lợi nhuận người chăn nuôi lạm dụng chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết: Hiện nay, các chất kháng sinh kích thích tăng trường trong TĂCN do các doanh nghiệp nhập về đã được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ, không cho phép lưu thông; Các doanh nghiệp nhập kháng sinh với mục đích bào chế thuốc thú y phải có phương án sử dụng phù hợp và các sản phẩm ở thị trường là dạng thuốc, không được bán nguyên liệu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.