Theo Reuters, ngày 17-7, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đệ trình một ngân sách bổ sung trị giá 122 tỷ baht (3,4 tỷ USD) cho chương trình kích thích kinh tế tiêu biểu của ông, trong bối cảnh các nhà lập pháp đang tranh luận về chương trình trợ cấp gây tranh cãi này.
"Chính phủ cần ngân sách để kích thích nền kinh tế bằng cách thúc đẩy lưu thông tiền tệ ở nhiều khu vực khác nhau", ông Srettha phát biểu trước quốc hội.
Kế hoạch trị giá 500 tỷ baht (13,9 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ tăng trưởng 1,9% vào năm ngoái và tụt hậu so với các nước trong khu vực. Thủ tướng Srettha cho biết nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và chi tiêu ngân sách bổ sung sẽ tuân thủ theo kỷ luật tài chính. Chương trình tặng 10.000 baht cho 50 triệu người Thái để chi tiêu tại địa phương trong vòng 6 tháng đã bị trì hoãn đến quý IV năm nay do gặp vấn đề trong việc tìm nguồn tài trợ.
"Cần phải kích thích nền kinh tế. Nếu không làm gì cả thì chắc chắn sẽ xảy ra khủng hoảng ", Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira phát biểu tại cuộc tranh luận.
Ngày 15-7, Chính phủ Thái Lan cho biết một ủy ban nội bộ đã chấp thuận sử dụng ngân sách năm 2024 và 2025 cho chương trình Ví kỹ thuật số. Thủ tướng Srettha khẳng định, Chính phủ đặt mục tiêu nâng mức sống của tất cả các hộ gia đình thuộc diện nghèo ở Thái Lan vào năm 2027 thông qua các chính sách kích thích kinh tế từ cấp cơ sở, trong đó có chương trình Ví kỹ thuật số trị giá 16 tỷ USD để bơm tiền vào nền kinh tế. Ban hội thẩm bao gồm các thành viên của ngân hàng trung ương đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về chương trình này và khuyến nghị chương trình nên thu hẹp và tập trung vào người nghèo.
Kế hoạch kích thích kinh tế là chính sách chủ đạo của Đảng Pheu Thai cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2023 và đã bị các nhà kinh tế và hai cựu thống đốc ngân hàng trung ương chỉ trích là có rủi ro về mặt tài chính, điều mà chính phủ đã bác bỏ. Nhà lập pháp đối lập Sirikanya Tansakul đặt câu hỏi liệu chương trình trợ cấp có thực sự cần thiết hay không và cho biết số tiền này sẽ được giữ lại để dùng cho các trường hợp khẩn cấp.
"Chúng ta làm tăng rủi ro tài chính cho đất nước. Hiện tại, chúng ta không có đủ khả năng để giải quyết các tình huống khẩn cấp", ông Sirikanya phát biểu trong cuộc tranh luận.
Cuộc tranh luận về ngân sách diễn ra khi Thủ tướng Srettha phải đối mặt với một vụ kiện tại Tòa án Hiến pháp có khả năng dẫn đến việc ông bị miễn nhiệm vì cáo buộc vi phạm trong bổ nhiệm nhân sự nội các.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.