(HNM) - Hà Nội đã và đang hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung khép kín ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại Hoài Đức (Hà Nội) được đánh giá là có hiệu quả. |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi khép kín. Cụ thể, đối với chăn nuôi lợn và gà sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi quy mô lớn; sử dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi bò sữa đạt hơn 80%, bò thịt hơn 50%... Về áp dụng hệ thống xử lý môi trường có 75% số trang trại bò sữa, 44% số trang trại chăn nuôi bò thịt; 44% số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 34% số trang trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường...
Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội), việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, toàn thành phố hiện có gần 100 trang trại, doanh nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh, thức ăn sinh học trong khẩu phần thức ăn; cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn thịt lợn sinh học/năm.
Về hiệu quả của mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết: Để bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, thời gian qua, hợp tác xã đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại từ khâu sản xuất con giống, cung ứng thức ăn đến cách phòng dịch, tiêu thụ sản phẩm... Hợp tác xã chia thành 3 khu chuồng trại, gồm: Khu lợn giống, khu lợn nái và khu lợn thịt. Các khu chuồng trại đều có quạt mát, đèn điện, lợn uống nước sạch, ăn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn, sàn bê tông thoáng mát. Với quy mô trang trại 22ha, nuôi khoảng 3.000 lợn nái, 70.000 lợn thương phẩm, mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường 3.000 tấn thịt lợn hơi, đạt doanh thu khoảng 200 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn khó khăn do mới tập trung ở các trang trại, doanh nghiệp quy mô lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ chưa chú trọng tới vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; trình độ và sự am hiểu về khoa học công nghệ hiện đại còn hạn chế... Để khắc phục, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, mục tiêu của thành phố đến năm 2020 sẽ hình thành các khu trang trại chăn nuôi công nghệ cao nhằm tăng năng suất và giá trị từ 1,5 đến 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống. Theo đó, Sở sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế để trao đổi, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
"Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa để chăn nuôi phát triển bền vững. Do đó, Hà Nội cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như về vốn, đất đai để người dân có thêm kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động, xử lý môi trường, các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra là đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng được mùa - mất giá", Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.