Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững là phải nâng cao chất lượng cuộc sống

Thành Tuệ| 09/12/2012 06:28

(HNM) - Những năm gần đây, quận Hà Đông (TP Hà Nội), có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Bên cạnh những mặt tích cực của quá trình này là các mặt trái nảy sinh và diễn ra rất phức tạp.

Lãnh đạo quận Hà Đông đã có những giải pháp xử lý những mặt trái của đô thị hóa như thế nào để bảo đảm sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân? Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Lê Cường - Chủ tịch UBND quận Hà Đông để giải đáp câu hỏi này.

- Tốc độ đô thị hóa của Hà Đông đang diễn ra rất nhanh, đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp. Về tổng thể, quận Hà Đông đã và sẽ phải giải quyết mối quan hệ này như thế nào?

- Hà Đông là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; có nhiều làng nghề truyền thống và hiện nay là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh của Hà Nội. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của quận được đầu tư phát triển mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, bộ mặt đô thị thay đổi khang trang hiện đại, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Thủ đô, công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội… còn nhiều khó khăn và phức tạp.

Ông Lê Cường, Chủ tịch UBND quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt


Để khắc phục tồn tại trên, Quận ủy, UBND quận đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và quyết tâm triển khai thực hiện như: Tăng cường công tác quản lý đô thị; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất; hỗ trợ giải quyết việc làm, dạy nghề giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện về giáo dục…

- Trong quá trình đô thị hóa, đất đai và quản lý đô thị luôn luôn “nóng”. Quận Hà Đông đối diện trực tiếp các vấn đề này ở tầm mức nào?

- Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình số 09-CTr/QU về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý sử dụng đất đai”. Đến nay, công tác quản lý đất đai trên địa bàn đã dần đi vào nền nếp, bước đầu hạn chế được những vi phạm, nhất là vi phạm trên đất nông nghiệp. Những trường hợp vi phạm mới phát sinh đều được chính quyền các địa phương xử lý kịp thời.

Về công tác quản lý đô thị, UBND quận Hà Đông đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để khớp nối toàn bộ hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu nhà ở, các dự án trên địa bàn (đặc biệt là khớp nối hệ thống giao thông, thoát nước...). Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý, chúng tôi tăng cường xử lý công tác quản lý trật tự đô thị đối với cán bộ, đảng viên như sau: Đối với cán bộ và lãnh đạo công an các phường phụ trách trật tự đô thị nếu để xảy ra lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, họp chợ, sử dụng bất hợp pháp trên địa bàn phụ trách mà không thiết lập hồ sơ vi phạm và kịp thời xử lý thì bị kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác. Đối với cán bộ, đảng viên có hành vi bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự công cộng, nếu vi phạm lần đầu bị kiểm điểm, nhắc nhở, nếu tái phạm thì bị xử lý kỷ luật theo các mức của Điều lệ Đảng, thấp nhất là cảnh cáo.

- Tốc độ phát triển các dự án đô thị đang tỷ lệ thuận với những phát sinh khiếu nại liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đó không phải là những phát sinh phức tạp của một vài địa phương. Đối với Hà Đông, nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình hình này là gì?

- Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, tình hình khiếu nại, tố cáo ở Hà Đông diễn ra phức tạp với sự gia tăng về số vụ việc khiếu kiện, đặc biệt có những vụ khiếu kiện kéo dài. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng một số công dân vẫn cố tình không chấp nhận nội dung giải quyết và tiếp tục khiếu kiện. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai còn có những bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Các quy định của Nhà nước về đền bù, tái định cư, hỗ trợ của Nhà nước khi thu hồi đất còn có những điểm chưa phù hợp với thực tế; giá đất, giá đền bù không theo kịp với tình hình thực tế... Một số quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai… có điểm chưa thống nhất nên thực tế rất khó khăn trong việc giải quyết, hướng dẫn, giải thích cho công dân.

Nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm của một số thủ trưởng đơn vị còn chưa cao trong việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc triển khai một số dự án kéo dài trong nhiều năm nhưng công tác GPMB chưa được giải quyết dứt điểm tại thời điểm thu hồi đất, dẫn đến người dân thắc mắc trong việc áp dụng các chính sách khác nhau cho từng thời kỳ. Đồng thời, kỷ cương trong lĩnh vực thực hiện khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm; chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, triệt để những đối tượng cầm đầu gây rối, gây khó khăn trong công tác giải quyết.

- Dù chưa phải là địa phương điển hình về phức tạp trong quản lý, xử lý khiếu nại về đất đai, GPMB, nhưng chắc chắn Hà Đông đã rút ra được những bài học kinh nghiệm?

- Bằng nhiều biện pháp tích cực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để sớm ổn định tình hình tại địa phương, chúng tôi rút ra được những kinh nghiệm: Chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để cán bộ và nhân dân nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành; nắm chắc tình hình, tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp gây phức tạp; quan tâm đến công tác đối thoại. Trong công tác thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần tạo sự đồng thuận trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và người dân (đây là một trong những yếu tố quan trọng hạn chế được mức thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo). Trước khi tiến hành một dự án, chính quyền các cấp cần thông báo về chủ trương, tiếp xúc và lắng nghe kiến nghị của người dân để có những quyết sách phù hợp; bám sát hệ thống pháp luật về đất đai để triển khai công việc... Ngoài ra, việc rà soát, thống kê những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, không để phát sinh “điểm nóng” hoặc khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chú trọng những nơi có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài… cũng cần được lưu ý.

- Hà Đông là một quận có mức độ vi phạm trật tự xây dựng không nổi cộm như một số địa bàn khác, nhưng đây cũng là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân… Người dân không thể vi phạm nếu như cán bộ phụ trách địa bàn, cán bộ chuyên trách làm hết trách nhiệm, không bao che…

- Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do chính quyền cơ sở chưa kiên quyết xử lý triệt để ngay các vi phạm. Cán bộ phụ trách công tác quản lý trật tự xây dựng phường còn thiếu trách nhiệm, chưa bám sát địa bàn, cá biệt còn có hiện tượng bao che cho các vi phạm. Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, Quận ủy đã ban hành Chương trình số 04-CTr/QU ngày 28-12-2010 về “Tăng cường công tác quản lý đô thị” đồng thời tăng cường cho mỗi phường 10 cán bộ hợp đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận trong nhiệm kỳ 2010-2015. Hình thức xử lý đối với cán bộ, lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng rất nghiêm, trong đó tùy mức độ mà xử lý với các mức từ khiển trách, cảnh cáo, chuyển công tác đến cách chức…

- Quận Hà Đông hiện có nhiều dự án đô thị mới trên địa bàn, ngoài mặt tích cực là đô thị hóa nhanh nhưng các dự án này cũng tác động tiêu cực đến môi trường, dân cư… Như vậy, đời sống vật chất có nâng cao, bộ mặt đô thị thay đổi, nhưng vẫn bị ô nhiễm môi trường thì sẽ không có sự phát triển bền vững. Đối với những vấn đề này quận xử lý như thế nào?

- Phát triển bền vững có nghĩa là công dân phải được nâng cao chất lượng cuộc sống đúng nghĩa. Khi đô thị hóa nhanh quận Hà Đông phải đứng trước những thách thức không nhỏ trong công tác vệ sinh môi trường. Để giải quyết tình trạng trên, Quận ủy, UBND quận đã tập trung chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể trong quản lý môi trường đô thị cho các đơn vị từ Phòng Tài nguyên - Môi trường đến các phường, các công ty, ban quản lý đô thị, kiểm tra, giám sát các tổ chức cá nhân trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền vận động, tổ chức các hoạt động giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trên địa bàn quận hiện có thêm nhiều khu đô thị, khu chung cư làm gia tăng nhanh dân số cơ học, tạo sức ép lớn cho quận về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ của quận như giáo dục, y tế, giao thông và dịch vụ công. Để giải quyết tình trạng trên, những năm qua quận Hà Đông tập trung đầu tư đồng loạt các dự án lớn đầu tư hạ tầng đô thị, trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống tiêu thoát nước, nhà văn hóa, phòng họp khu dân cư… Đến nay trên địa bàn quận hạ tầng xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

- Đời sống văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đánh giá chất lượng cuộc sống của công dân. Trước khi có Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quận ủy Hà Đông đã có Chương trình 06-CTr/QU về “Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa”. Việc thực hiện chương trình này đến nay đạt kết quả ra sao?

- Để khắc phục những tồn tại, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, ngày 12-1-2009, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình 06-CTr/QU về “Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa”. Sau một thời gian thực hiện quyết liệt, việc tang văn minh trên địa bàn đã đi vào nền nếp, có nhiều chuyển biến, nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng cao, thấy được lợi ích của Chương trình 06 về tiết kiệm, không lãng phí về tài chính, thời gian và phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay, đã có 50,42% các đám tang thực hiện hỏa táng. Việc cưới đa phần chỉ mời dự cỗ trong họ hàng nội, ngoại, bạn bè thân hữu, còn lại là tổ chức tiệc trà và chỉ tổ chức trong một ngày, thực hiện tốt việc cưới đạt 84,10%. Cán bộ, đảng viên của quận đã thực sự gương mẫu, chấp hành tốt Chương trình 06 khi gia đình có việc hiếu, hỷ, không có cán bộ, đảng viên vi phạm.

- Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua. Đây là một sự kiện quan trọng. Ai là công dân Thủ đô, yêu mến Thủ đô đều rất vui mừng, nhưng điều đó là chưa đủ. Vấn đề là thể hiện trách nhiệm cụ thể ra sao. Quận ủy, UBND quận Hà Đông sẽ làm gì và làm như thế nào để thực hiện tốt những điều khoản của Luật Thủ đô?

- Trước hết, cùng với niềm vui là phải tổ chức ngay việc tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quận nắm vững nội dung của luật, để từ đó mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn và tham gia tích cực xây dựng Thủ đô. Thực hiện Luật Thủ đô với những nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài, Hà Đông tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ quan trọng: Cấp ủy các cấp chính quyền tập trung phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững; đẩy mạnh xây dựng và quản lý đô thị theo hướng hiện đại; tăng cường công tác quản lý đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng...

- Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững là phải nâng cao chất lượng cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.