Phạt nặng là đúng, nhưng chưa đủ!
Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phạt nặng là đúng, nhưng chưa đủ!

Vân Vũ| 06/05/2012 05:14

(HNM) - Là một chuyên gia có thâm niên về công tác tuyển sinh đại học, ông Đỗ Duy Dự là một trong những tác giả của phương án tuyển sinh "3 chung" hiện vẫn đang được áp dụng. Trước mùa tuyển sinh, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với chuyên gia Đỗ Duy Dự về những vấn đề đang nóng của ngành giáo dục - đào tạo.

“3 chung” đã đến hồi kết thúc?

- Không còn trực tiếp làm công tác tuyển sinh, nhưng ông có còn quan tâm tới những “câu chuyện” lình xình về tuyển sinh và các vấn đề của giáo dục đại học?

- Tuy đã nghỉ hưu được 6 năm, nhưng là người luôn đứng ở “vòng xoáy” của công tác tuyển sinh nên tôi vẫn luôn quan tâm tới tình hình tuyển sinh nói riêng và giáo dục đại học nói chung. Nói thật là cũng có một số chuyện của tuyển sinh năm nay cũng như những năm gần đây khiến tôi phải suy nghĩ...

 Ảnh: Quỳnh Phạm

- Tuyển sinh thì năm nào cũng “nóng” có phải vì cho đến nay chúng ta chưa có cách nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu học và khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục đại học, thưa ông?

- Thì chính vì mâu thuẫn ấy nên chúng ta vẫn phải tổ chức thi tuyển chứ không thể mở rộng đầu vào. Phương án tuyển sinh “3 chung”, kèm theo đó là quy chế tuyển sinh, năm nào cũng được cải tiến và ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nó đã được sử dụng hơn 10 năm và không phù hợp với những đề xuất ngay từ ban đầu của chúng tôi rằng, phương án tuyển sinh “3 chung” là phương án tình thế không thể kéo dài. Chính vì vậy nó dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, một việc gần đây nhất là Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh một số ngành, trường do họ thiếu một số điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ. Việc làm như vậy là đúng, nhưng cần phải công bằng mà nói, quyết định cho họ mở ngành tuyển sinh đã được ban hành cách đây nhiều năm, còn quy định về các điều kiện mở ngành tuyển sinh thì mới có nên các trường không kịp điều chỉnh. Mặt khác, thời điểm đưa ra quyết định đình chỉ cũng không phù hợp. Lẽ ra phải công bố trước khi khởi động mùa tuyển sinh năm 2012. Còn bây giờ mới công bố thì phương án “3 chung” vốn là một hệ thống nhất quán trong toàn quốc nên một quyết định điều chỉnh đối với một bộ phận nhỏ cũng ảnh hưởng tới toàn hệ thống.

- Tình trạng thiếu điều kiện của một số ngành ở các trường đại học ngoài công lập còn có lý do cơ chế đã cho phép phát triển nóng. Công tác tuyển sinh không đơn thuần là câu chuyện “đầu vào” của các trường đại học mà nó còn mang tính xã hội lớn và phải chăng những người ra quyết định dừng tuyển sinh của một số ngành, trường chưa hiểu thấu điều này?

Ngày 27-4, chỉ sau 4 ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT đã công bố việc đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 6 trường ĐH, CĐ. Cụ thể: Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội bị dừng tuyển sinh; Trường ĐH Phú Xuân phải dừng tuyển sinh ngành tài chính - ngân hàng; Trường ĐH Yersin Đà Lạt dừng tuyển sinh ngành kiến trúc; Trường ĐH Thành Tây dừng tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh; Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghiệp Quảng Ngãi dừng tuyển sinh ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng; Trường CĐ Bách nghệ Tây Hà dừng tuyển sinh ngành khai thác vận tải. Ngày 4-5, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra quyết định dừng tuyển sinh đối với Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn.

- Trong suốt mấy chục năm làm công tác tuyển sinh, tôi nghiệm được một điều, tuyển sinh là công việc có liên quan và tác động tới toàn xã hội. Vì vậy, mọi động thái chỉ đạo đều phải hết sức thận trọng và kịp thời; mọi khâu của công tác này đều phải chỉn chu, không được sai sót. Tôi vẫn nhớ trường hợp, một trường THPT ở một địa phương chỉ quên không nộp hồ sơ đăng ký dự thi của hơn 10 học sinh đã khiến Bộ phải vào cuộc để giải quyết. Câu chuyện năm nay mà chúng ta vừa đề cập có lẽ chỉ là do thiếu nhạy cảm và chưa có trải nghiệm. Còn những chuyện lình xình quanh công tác tuyển sinh, như dừng tuyển sinh không đúng thời điểm, lúc thì tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia rồi bỏ, bây giờ lại khôi phục, hay tình trạng các trường dân lập mấy năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu… tôi cho rằng đều xuất phát từ việc chúng ta kéo dài phương án tuyển sinh “3 chung” quá lâu.

- Là một trong những tác giả của phương án “3 chung”, sao ông lại muốn “khai tử” nó trong khi Bộ GD-ĐT và nhiều trường đại học vẫn cho nó là phương án tốt nhất có thể có hiện nay?

- Vai trò lịch sử của “3 chung” đã kết thúc và những nhược điểm của nó tôi nghĩ mọi người đều thấy, nhất là những người làm công tác quản lý hiện nay. Nhưng chưa ai dám thay đổi bởi chưa tìm được phương án hay hơn, trong khi chưa đủ dũng cảm để làm một việc khó và đúng là trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo.

- Khi bắt đầu áp dụng phương án tuyển sinh “3 chung”, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng lộ trình đổi mới tuyển sinh mà “điểm cuối” là một kỳ thi có hai mục đích. Tức là học sinh học hết chương trình phổ thông chỉ thi một lần và kết quả của kỳ thi ấy dùng để đánh giá tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Gần đây, phương án này cũng được đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Còn ông, ông nghĩ sao?

- Đôi lúc chúng ta nhầm lẫn giữa mong muốn và thực tế. Phương án trên là mong muốn, còn thực tế, bây giờ và có thể nhiều năm nữa chúng ta chưa thể tổ chức chỉ một kỳ thi để đạt được hai mục đích. Sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, kể cả tâm lý sính bằng cấp lẫn quan hệ xã hội vô cùng phức tạp của người Á Đông… là những “rào cản” để chúng ta đạt được mong muốn ấy. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận có hai kỳ thi, nhưng phải làm khác hiện nay. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nên giao cho các địa phương tự tổ chức, bằng tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thực sự không có ý nghĩa trên thực tế. Còn kỳ thi tuyển sinh thì để các cơ sở đào tạo tự quyết định. Đây là phương án đúng nhất hiện nay.

- Nhiều người đã nghĩ như ông. Nhưng thấy thật khó hiểu, vì sao biết đúng mà lại không làm?

- Đó là việc đúng nhưng khó. Mà điều khó nhất hiện nay là tư duy quản lý vẫn luôn sợ các trường vượt rào khi được trao tự chủ. Thêm nữa, muốn để các trường tự chủ trong khuôn khổ thì rất cần hệ thống các văn bản pháp quy để các trường có “hành lang” hoạt động và cơ quan quản lý có công cụ để kiểm tra, giám sát. Nhưng đây là điều đang thiếu hiện nay.

- Xây dựng hệ thống văn bản pháp quy này là công việc chính của một cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD-ĐT. Có người đã lý giải cho sự chậm trễ hay yếu kém này là Bộ… “sợ mất quyền”. Điều này không hẳn là không có lý!

- Thì những người nắm quyền bao giờ chả có xu hướng giữ chặt quyền đó trong tay, không muốn chia sẻ. Nhưng nếu cứ ôm đồm, ví dụ không giao công tác tuyển sinh cho các trường tự chủ, thì khó mà tập trung vào những việc có tính chiến lược như quy hoạch phát triển giáo dục đại học mà chỉ riêng chuyện mở trường, mở ngành đã gây ra không ít vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Đình chỉ tuyển sinh chỉ đúng nhưng chưa đủ

Ông vừa nhắc tới một vấn đề rất lớn của giáo dục đại học. Nó vừa quan trọng, vừa có nhiều khiếm khuyết đến mức Quốc hội phải vào cuộc. Việc Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh một số trường, ngành vừa qua cũng là để nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung, bảo đảm chất lượng ở các cơ sở mới thành lập nói riêng.

- Chất lượng đào tạo là điều kiện tiên quyết khi xem xét việc cho ra đời một cơ sở đào tạo cũng như một ngành mới. Xu hướng mà Bộ đang triển khai là tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp không bảo đảm chất lượng đào tạo là đúng và cần phải khuyến khích. Bởi, trong một số năm, vì áp lực của việc tăng quy mô đào tạo mà việc thành lập trường có phần dễ dãi nên giờ là lúc những điểm yếu đã bộc lộ, như đa số các trường không đủ đất để xây dựng, nhiều trường không đủ số lượng và chất lượng giáo viên theo quy định… Vì vậy, việc cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ tuyển sinh như tôi đã nói là việc làm đúng và việc sáp nhập các trường hay giải thể trường yếu kém là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

- Giáo dục đào tạo là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến con người, nên có lẽ vì thế chúng ta không dám đối mặt với quy luật cạnh tranh, vốn rất khách quan?

- Dù nó nhạy cảm thì nó vẫn phải tuân theo quy luật khách quan. Mạnh thì phát triển, yếu thì phải chịu bị đào thải. Việc của cơ quan quản lý nhà nước là tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để những cơ sở thực sự có tiềm năng sẽ phát huy được, không nên để tình trạng níu kéo nhau rồi cùng rơi vào khủng hoảng. Điều này còn ảnh hưởng tới một chủ trương rất đúng đắn là xã hội hóa giáo dục, trong đó giáo dục đại học phải là bậc học cần được xã hội hóa mạnh nhất để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và thêm nhiều cơ hội học tập cho thanh niên.

- Nói thế có nghĩa là ông ủng hộ việc tiếp tục mở thêm trường trong khi các trường ngoài công lập hiện nay không tuyển đủ chỉ tiêu?

- Tôi nghĩ rằng, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ mang tính định hướng, sao cho quy mô đào tạo phù hợp với năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng, chứ nó không phải là “cái bánh” để chúng ta chia nhau. Thêm nữa, nhu cầu học của thanh niên vẫn rất lớn, chúng ta phải khống chế 15 hay 20% số thí sinh dự thi được trúng tuyển là do khả năng tiếp nhận của chúng ta còn kém. Và còn bởi chúng ta chưa quản lý chất lượng bằng quá trình đào tạo nên phải coi “đầu vào” là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng. Đúng ra là, phải mở rộng đầu vào và thắt chặt “đầu ra”. Khi giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường thì “khái niệm” chỉ tiêu cũng sẽ không còn nữa.

Vì vậy, không phải do các trường đã thành lập hiện đang trong tình trạng “non tải” mà chúng ta hạn chế sự ra đời của những trường mới có đầy đủ điều kiện bảo đảm chất lượng như đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tiền vốn và chương trình tiên tiến, đặc biệt là trường có yếu tố quốc tế, tranh thủ được sự hợp tác của các cường quốc giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện nay, quy định về điều kiện thành lập trường theo kiểu “quả trứng có trước hay con gà có trước” đang là rào cản cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực. Ví dụ, khi trình hồ sơ xin chủ trương thành lập trường mà đã yêu cầu phải có 5 hécta đất và vị trí đất trong khi họ chưa có tư cách pháp nhân để làm điều này, là yêu cầu vô lý. Yêu cầu này nên đặt ra khi nhà đầu tư trình hồ sơ mở trường, tức là sau khi đã có chủ trương thành lập trường.

- Nhưng nếu không có những quy định thật chặt chẽ thì lại cho ra đời những trường kém chất lượng như vừa qua?

- Quy định chặt chẽ là cần thiết nhưng phải hợp tình, hợp lý. Nếu chúng ta cứ trói nhau bằng các quy định thiếu khả thi thì những cơ sở đào tạo có tiềm lực không ra đời được, học sinh mất cơ hội học tập ở môi trường tốt và phải tìm đến những hình thức đào tạo khác dù chất lượng thế nào miễn là trong tay có tấm bằng. Gần đây, tôi thấy rất nhiều chương trình liên kết đào tạo được quảng cáo rầm rộ. Lại có cả những chương trình liên kết để đào tạo liên thông giữa những cơ sở không có uy tín, không thu hút được sinh viên nhưng còn chỉ tiêu với những trường có thương hiệu để tuyển sinh - thực chất đó là hình thức “bán” chỉ tiêu. Tuy không phải mọi chương trình phi chính quy đều kém chất lượng nhưng rõ ràng là tay của cơ quan quản lý chưa “với” tới được. Rất nhiều học sinh không trúng tuyển đại học đã chọn con đường này và cuối cùng họ vẫn có bằng thật nhưng có khi chất lượng là giả.

- Xem ra, để quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ngoài công lập, những quy định hành chính cứng nhắc hay cả việc thanh tra rồi đình chỉ tuyển sinh một số trường, ngành mà Bộ GD-ĐT đang triển khai và cho rằng nó rất hiệu quả cũng chỉ là giải pháp “cắt ngọn”.

- Thanh tra rồi đình chỉ tuyển sinh với những đơn vị không đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng là đúng, là cần, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách công bằng để các trường thuộc các loại hình công, tư kể cả mô hình trường 100% vốn đầu tư nước ngoài… được tồn tại, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh với nhau, cũng như giữa các trường trong cùng một loại hình. Đáng tiếc, đây lại là điểm yếu nhất của công tác quản lý hiện nay. Mặc dầu vậy, tôi vẫn hy vọng, với mong muốn bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, đổi mới quản lý giáo dục đại học, bên cạnh việc tập trung vào công tác thanh tra như hiện nay, Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục điểm yếu để những vấn đề cốt lõi của trường ngoài công lập sẽ được giải quyết.

- Xin cảm ơn ông!

Phương án 3 chung

Phương án tuyển sinh ĐH, CĐ 3 chung là chung đề thi, chung đợt thi và chung kết quả thi. Phương án này được bắt đầu triển khai từ năm 2002, theo Quyết định số 16/2002-BGD&ĐT ngày 5-4-2002 của Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy. Theo quyết định này hằng năm, các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp có chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy. Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ mà trường đó không tổ chức thi tuyển sinh hoặc không trúng tuyển vào trường ĐH đã dự thi thì sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ngay năm đó do trường ĐH tổ chức thi cấp để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định.

Ngày 5-2-2008, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 05/2008-BGD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo quy chế mới này, phương án 3 chung vẫn được giữ nguyên: Hằng năm, các trường được Nhà nước giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức tuyển sinh một lần. Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường. Những trường không tổ chức thi tuyển sinh được lấy kết quả thi tuyển sinh ĐH theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển.

Ngày 2-2-2009, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư sửa đổi một số điều trong Quy chế tuyển sinh theo Quyết định 05. Ngày 11-2-2010, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 03-2010-BGDĐT kèm theo đó là Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Ngày 28-2-2011, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 11 sửa đổi một số điều của quy chế được ban hành theo Thông tư 03 năm 2010. Ngày 5-3-2012, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 09 kèm theo đó là Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy thay thế cho quy chế được ban hành năm 2010. Các văn bản này có sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thay đổi một vài điểm trong công tác tuyển sinh song vẫn giữ nguyên phương án 3 chung.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt nặng là đúng, nhưng chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.