(HNM) - Hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Được hình thành trên cơ sở lựa chọn, liên kết một số tỉnh, thành phố có đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm và thực trạng kinh tế - xã hội phù hợp, có tiềm năng phát triển; mỗi vùng kinh tế trọng điểm được kỳ vọng có khả năng đột phá, là đầu tàu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Thực tế, 4 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta là nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải biển và hàng không lớn nhất cả nước, với 6/8 cảng biển quốc gia, tập trung tới 93% công suất bốc xếp của cảng và 100% công suất của các sân bay quốc tế, với năng lực tiếp nhận trung bình khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm. Với những lợi thế đó, trong giai đoạn 2011-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng kinh tế trọng điểm tăng bình quân 7,25%. Quy mô GRDP của 24 địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đáng chú ý, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm giúp GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (nơi có Thủ đô Hà Nội) và Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ (nơi có thành phố Hồ Chí Minh) là hai vùng có tác động lớn nhất. Tương ứng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung bình quân trong giai đoạn 2011-2019 là 13,08% và 19,9%/năm.
Mặc dù còn bất cập về tính liên kết, hỗ trợ giữa các địa phương trong vùng, song vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm đã được khẳng định. Vì vậy, khi cả nước bước vào giai đoạn "bình thường mới" sau những tác động của dịch Covid-19, các đầu tàu kinh tế lại càng phải phát huy vai trò của mình, cùng cả nước nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Kết luận số 77-KL/TƯ ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tiếp tục phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển vùng bền vững, đồng bộ, hệ thống, tạo tác động lan tỏa.
Suy cho cùng, mỗi vùng hay mỗi địa phương trong vùng tiếp tục đổi mới thể chế để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để đón đầu thời cơ, lợi thế, cơ hội mới; phải hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và nỗ lực hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh hậu dịch Covid-19. Mỗi vùng tận dụng cơ hội từ việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công, đi đầu trong phục hồi kinh tế, đi trước trong thu hút đầu tư, đón dòng vốn dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu...
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các vùng kinh tế trọng điểm mới đây, bên cạnh yêu cầu đi trước trong khôi phục kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia; rà soát đầy đủ các lĩnh vực để khắc phục cho được tình trạng "mạnh ai nấy làm".
Nói cách khác, để các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu phải chọn lợi thế để phát triển, mà không cạnh tranh làm suy yếu lẫn nhau. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics... Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ có thể mạnh về kinh tế biển, du lịch, vận tải, sản xuất ô tô... Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ có thể thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị... Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản chủ lực...
Đi đôi với đó là làm rõ vai trò hội đồng vùng, cơ chế huy động nguồn lực, tổ chức không gian, mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội... bằng quy định có tính pháp lý. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn một cách căn cơ, giúp vùng kinh tế trọng điểm phát triển bền vững lâu dài.
Về thể chế tháo gỡ nút thắt, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, có việc cần lộ trình nhưng cũng có việc cần làm ngay. Đó là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng. Lãnh đạo các địa phương cần đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực với sự phát triển của vùng, của đất nước. Điều đó cũng có nghĩa các vùng kinh tế trọng điểm cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, hỗ trợ khu vực và cả nước cùng phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.