Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long-Hà Nội xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội| 10/10/2011 06:38

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô của chúng ta bước qua năm tuổi thứ 1001 với những dấu ấn đầy tự hào. Trong những ngày thu hôm nay, mỗi người chúng ta càng thêm phấn khởi, tin tưởng về sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Trải qua biết bao thử thách, thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn vững bước đi lên, tiếp tục xây dựng, bồi đắp truyền thống văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, kết hợp với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại.


Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại và phát triển. Ảnh: Xuân Chính

Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, trong những năm qua, nhất là trong tiến trình đổi mới, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô và đất nước, Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn Thủ đô. Đồng thời với triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ thành phố, việc thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010”, Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính, đã tạo nên những chuyển biến tiến bộ, toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng vững chắc, là động lực quan trọng, động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2011 và cả nhiệm kỳ 2010-2015.
* *
*
Bước sang năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, giá cả leo thang... trước bộn bề công việc và những khó khăn, thách thức đó, thành phố đã lựa chọn trúng những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo. Cùng với việc tập trung triển khai học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã sớm hoàn thành xây dựng 9 chương trình công tác toàn khóa để tập trung triển khai trong toàn Đảng bộ.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy hết sức coi trọng khâu then chốt là công tác xây dựng Đảng, đặc biệt quan tâm giải quyết tốt công tác cán bộ - khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất trong mọi công việc; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt cấp ủy, HĐND và UBND các cấp được củng cố, kiện toàn sau Đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Thành phố đã chủ động thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực công tác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong công tác xây dựng và quản lý đô thị; trật tự an toàn giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, v.v... Trong chỉ đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn bám sát phương châm tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao; chú trọng việc kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội tiếp tục được mở rộng, tạo bầu không khí cởi mở, đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nổi bật là: Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững trong mọi tình huống. Kinh tế của Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) 9 tháng đầu năm 2011 ước tăng 9,4% (gấp 1,63 lần mức tăng bình quân chung của cả nước). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt 87.387 tỷ đồng, bằng 76% dự toán năm, dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu, tăng thu 7-8% so với dự toán ngân sách năm do Chính phủ giao. Chi ngân sách địa phương đạt 29.506 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm. Thành phố đã quyết định đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm vốn của 252 dự án, công trình đầu tư công chưa thực sự cấp thiết, với kinh phí cắt giảm trên 806 tỷ đồng, để điều chuyển bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2011. Các ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2010. Sản xuất nông nghiệp được mùa, sản lượng và năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng; giá trị sản xuất bình quân đạt 141 triệu đồng/ha.


Người dân tham quan Bảo tàng Hà Nội.   Ảnh: Linh Tâm

Công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển đô thị tiếp tục có chuyển biến tích cực. Mọi người vui mừng nhận thấy diện mạo của Thủ đô ngày càng khởi sắc. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các quy hoạch chi tiết và đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng. Thành phố đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông, lĩnh vực được xác định là một trong hai khâu đột phá của thành phố. Hiện nay, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nhiều dự án giao thông quan trọng, như: các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên; đường 32, Nhật Tân - Nội Bài, v.v...

Sự nghiệp văn hóa - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, Hà Nội vẫn ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội; bổ sung 150 tỷ đồng vào nguồn quỹ cho hộ nghèo, cận nghèo vay để phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hỗ trợ khoảng 16.500 hộ thoát nghèo; cấp 142.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Quyết tâm đầu tư xây thêm các bệnh viện, trường học, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả, nhất là công tác giải quyết việc làm, đền ơn đáp nghĩa... Chất lượng cuộc sống của đa số người dân ngày càng được nâng lên.
* *
*
Thành phố Hà Nội đang đứng trước những thời cơ thuận lợi. Đó là những thành tựu 25 năm đổi mới, những tiềm năng to lớn của Thủ đô sau khi được mở rộng địa giới hành chính, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành trung ương và cả nước. Song, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều yêu cầu và thách thức to lớn. Trước hết là đòi hỏi và trách nhiệm rất nặng nề, xây dựng Thủ đô Hà Nội thật sự văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống nghìn năm lịch sử và với mong đợi của nhân dân cả nước. Bên cạnh đó là sự tác động ngày càng gay gắt của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, những áp lực của quá trình đô thị hóa, nhất là những bất cập của vấn đề hạ tầng xã hội, giao thông, môi trường, cùng với những tiềm ẩn về an ninh, trật tự an toàn xã hội và những yêu cầu cao trong công tác quản lý đô thị... Đây là những khó khăn rất lớn mà Hà Nội phải vượt qua. Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, với trách nhiệm trước nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô nguyện đoàn kết, đem hết sức mình quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, phấn đấu thực hiện hoàn thành trước từ 1-2 năm những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, góp phần cùng cả nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước mắt là chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng năm 2011. Tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển; giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra cho thành phố nhiều thời cơ phát triển, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình CNH, HĐH Thủ đô. Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố đã xác định “Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra; xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long-Hà Nội xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.