Qua hàng nghìn năm lịch sử, Tây Hồ (thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) từ một vùng đầm lầy chuyển mình trở thành Di sản văn hóa thế giới, là hình mẫu cho việc khai thác tiềm năng, giá trị của di sản văn hóa.
Từ đầm lầy trở thành di sản thế giới
Tây Hồ ban đầu là một đầm phá - loại hình hồ hình thành trong quá trình đóng vĩnh viễn một vịnh biển.. Trong hơn 5 thế kỷ sau Công nguyên, hồ bị phủ lấp vô số lần và có lẽ nó đã trở thành đất bằng nếu không có bàn tay con người. Từ việc khơi thông Tây Hồ làm cảng cho tuyến đường sông Đại Vân Hán thời Tùy Dương Đế, cho đến thời nhà Đường và thời Bắc Tống, các công trình thủy lợi lần lượt được xây dựng. Cùng với việc phân đất canh tác cho những hộ dân thu dọn rong tảo ven hồ, diện mạo cảnh quan Tây Hồ từng bước đổi thay...
Năm 1982, Tây Hồ được phê duyệt là Danh thắng trọng điểm cấp quốc gia, năm 1985 được bình chọn là một trong “Thập đại danh thắng phong cảnh quốc gia”. Năm 2006, Tây Hồ được tái cải tạo theo tiêu chuẩn Khu du lịch cảnh quan cấp quốc gia. Năm 2008, “Truyền thuyết Tây Hồ” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2011, Tây Hồ - Hàng Châu được UNESCO ghi nhận là Di sản cảnh quan văn hóa dạng hồ, loại hình di sản đầu tiên và duy nhất trong hệ thống Di sản văn hóa thế giới hiện nay.
Thiên nhiên tạo lập, con người bồi đắp
Tây Hồ trở nên nổi tiếng từ khi Hàng Châu được nhà Nam Tống chọn đặt kinh đô Lâm An (thế kỷ XII). Từ nhà Tống đến nhà Thanh, dù kinh đô có thay đổi thì các triều đại cũng đều xây dựng hành cung ở Tây Hồ. Tây Hồ còn là nơi nhiều văn nghệ sĩ chọn làm nơi ẩn cư và là điểm đến văn hóa - du lịch. Cảnh quan thơ mộng khiến Tây Hồ trở thành nơi gửi gắm cảm xúc của nhiều nhân sĩ từ cổ chí kim, đặc biệt là trong thi ca. Trong hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ nhân sĩ, nổi tiếng nhất là Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha, đã đem thơ - ca - nhạc - họa gắn kết với cảnh sắc, không ngừng củng cố vị thế văn hóa cho Tây Hồ. Di sản thơ ca cùng với sự chung tay bảo vệ cảnh quan của các thế hệ cư dân đã đưa Tây Hồ trở thành một biểu tượng cho tinh thần phát huy, bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa và nhân văn.
Ngày nay, chính quyền Hàng Châu đã thực hiện nhiều biện pháp để bồi đắp văn hóa theo hướng hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Các lễ hội, hội chợ thường xuyên được tổ chức để quảng bá những món ăn nổi tiếng như “thịt quay Đông Pha”, “gà ăn mày”... giúp du khách trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực độc đáo của Hàng Châu.
Việc khuyến khích mặc trang phục truyền thống để chụp ảnh tại các danh thắng quanh hồ vừa giúp lưu giữ, lan tỏa vẻ đẹp cổ xưa vừa mang lại kỷ niệm khó quên cho du khách. Bên cạnh đó, Hàng Châu cũng chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu là vở diễn thực cảnh "Ấn tượng Tây Hồ" được dàn dựng công phu trên nền phong cảnh thơ mộng của hồ và lồng ghép những câu chuyện huyền thoại nổi tiếng, tạo nên sự kết nối sâu sắc với các vùng miền văn hóa Trung Hoa...
Nhiều biện pháp đã được chính quyền Hàng Châu thực thi nhằm gia tăng sự đồng hành của cộng đồng dân cư, xem họ là thành phần quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái. Các đội tình nguyện viên được thành lập để tham gia các chiến dịch làm sạch hồ, giám sát các hành vi vi phạm môi trường, giúp duy trì cảnh quan và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc lấy ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng, triển khai các dự án phát triển Tây Hồ cũng nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ phía người dân.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế bền vững liên quan đến du lịch và dịch vụ quanh hồ được khuyến khích phát triển. Những hoạt động như du lịch sinh thái, sản phẩm thủ công và ẩm thực địa phương được đẩy mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân bản địa, đồng thời bảo tồn văn hóa và cảnh quan tự nhiên.
Chính quyền Hàng Châu chú trọng phát triển giao thông nội đô. Các tuyến đường dẫn đến Hồ Tây được phủ xanh bởi hàng cây mát mẻ, tạo cảm giác thư thái cho du khách. Hệ thống xe buýt công cộng và dịch vụ taxi thân thiện với môi trường giúp du khách dễ dàng di chuyển giữa các điểm tham quan. Chính quyền cũng đầu tư mạnh vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng du lịch. Có hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và hộ gia đình kinh doanh tại khu vực này, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Chính sách “Tây Hồ miễn phí” bắt đầu từ năm 2002 cùng với nhiều kế hoạch phát triển dài hạn nhằm thu hút du khách và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Công tác truyền thông về “Tây Hồ thập cảnh” (10 thắng cảnh tại Tây Hồ) được chính quyền Hàng Châu thực hiện mạnh mẽ, đa dạng và thường xuyên. Các bài viết và video, hình ảnh đẹp lung linh về Tây Hồ được chia sẻ rộng rãi, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2002, Hàng Châu đã nhận được các danh hiệu "Giải thưởng Môi trường sống của Liên hợp quốc", "Thành phố Vườn quốc tế", "Mười thành phố sôi động về kinh tế nhất Trung Quốc", "Thủ đô giải trí phương Đông", "Thành phố du lịch tốt nhất Trung Quốc" và đã 12 năm liên tiếp nằm trong danh mục "Thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc". Năm 2017 lượng khách du lịch đạt 160 triệu, doanh thu du lịch đạt 304,1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD).
Kinh nghiệm quý cho hồ Tây - Hà Nội
Không chỉ có quy mô và hình thái không gian trùng khớp, mà cả Tây Hồ ở Hàng Châu và hồ Tây ở Hà Nội đều là nơi hội tụ, ghi dấu của truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian và thơ ca. Lịch sử ghi nhận sự kết nối kỳ duyên giữa hai hồ có cùng tên gọi, như truyền thuyết hai nàng tiên nữ bỏ lại hai “mảnh gương Tây Hồ” ở nhân gian, một ở Hàng Châu và một ở Hà Nội, hay truyền thuyết trâu vàng ở Tây Hồ, Hàng Châu chạy theo tiếng chuông sang hồ Tây, Hà Nội.
So với Tây Hồ ở Hàng Châu, hồ Tây ở Hà Nội chưa bao giờ mất đi vị thế bởi luôn nằm ở “trái tim của cả nước”, với đậm đặc giá trị về thắng cảnh, nghệ thuật, ẩm thực và giá trị nhân văn.
Để hồ Tây - Hà Nội trở thành một trung tâm mới của Thủ đô trên cả phương diện quy hoạch không gian, cảnh quan và văn hóa, cần nâng cao nhận thức trong quản lý và nhận thức từ cộng đồng; đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng; khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong phát huy giá trị cảnh quan văn hóa, đặc biệt là những ý tưởng tái hòa nhập thiên nhiên; lấy sáng tạo nghệ thuật làm mũi nhọn phát triển mới và khuyến khích sự tham gia tích cực từ cộng đồng dân cư, đồng thời tôn vinh, bảo tồn các nét đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội tại hồ Tây. Cần nâng tầm hồ Tây từng bước trở thành di sản cảnh quan văn hóa quốc gia. Điều này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và giúp hồ Tây trở thành điểm du lịch mới hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa Thủ đô trong quá khứ - hiện tại và hướng tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.