Văn hóa

Phát huy tiềm năng, giá trị của hồ Tây: Kiến tạo trung tâm du lịch, văn hóa mới của Thủ đô

TS.KTS Vũ Hoài Đức 13/07/2024 10:0

Không chỉ là thắng cảnh nổi tiếng ở Thủ đô, hình thái không gian đặc biệt của hồ Tây cùng với hệ thống làng xóm chồng lớp, xen cài đã tạo nên “mảnh ghép” đặc biệt cho một vùng địa linh của đất kinh kỳ văn hiến.

Với những giá trị được tích lũy từ quá khứ đến đương đại, phát triển du lịch văn hóa di sản và cảnh quan là hướng đi để hồ Tây trở thành trung tâm văn hóa - sáng tạo mới của Hà Nội.

447769714_10211828980876355_161737981121724281_n.jpg
Một góc hồ Tây. Ảnh: Lê Việt Khánh

Không gian cảnh quan đặc biệt

Những chuyển dịch, biến đổi của sông Hồng - sông Mẹ từ hàng ngàn năm trước đã ban tặng cho Hà Nội một vùng đầm hồ với hình thái không gian vô cùng đặc biệt: “Trong hồ có đảo, trong đảo có hồ” (trong hồ Tây có bán đảo Quảng An, trong bán đảo Quảng An có hồ Đầm Trị, hồ Thủy Sứ, hồ Quảng Bá...). Với diện tích khoảng 500ha, hồ Tây (xưa còn gọi là đầm Xác Cáo, hồ Dâm Đàm, hồ Lãng Bạc...) có thế đất “phượng hoàng ẩm thủy”, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp, giao thông thủy và chài lưới. Hẳn vì thế mà từ bao đời nay hồ Tây đã trở thành nguồn sống cho lớp lớp cư dân xung quanh hồ. Tương truyền, năm 1138, công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông đã về đây lập cung Từ Hoa và dạy dân các làng ven hồ trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Các triều vua Lý - Trần cũng dựng cung điện ở ven hồ để vãng cảnh, nghỉ dưỡng.

Mặt nước “xanh tươi bát ngát Tây Hồ” kết nối với vùng lõi trung tâm “rộn ràng Đồng Xuân”, “Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai...” mang đến sự phong phú, đa dạng cho cảnh sắc Thăng Long - Hà Nội. Hồ Tây, cùng với hành lang sông Hồng, công viên Bách Thảo, quảng trường Ba Đình, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, hồ Gươm và hệ thống biệt thự xây dựng thời Pháp thuộc, cũng đã tạo nên một “vòng cung xanh” quyến rũ cho Thủ đô.

Một nội hàm - năm giá trị

398672468_10211321465588790_3586950321592364863_n.jpg
Chùa Trấn Quốc, một thắng cảnh đẹp ở hồ Tây. Ảnh: Lê Việt Khánh

Nói về hồ Tây, có thể kể ra năm giá trị đặc sắc: “Hồ Tây danh thắng”, “hồ Tây phi vật thể”, “hồ Tây nghệ thuật”, “hồ Tây nhân văn” và “hồ Tây ẩm thực”.

“Mặt gương Tây Hồ” cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa xung quanh hồ gắn với lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Cẩu Nhi, đền Đồng Cổ, chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách... từ bao đời nay đã làm nên một “hồ Tây danh thắng” - nét chấm phá lãng mạn trong bức tranh đầy màu sắc của Hà Nội, là nơi níu chân du khách mỗi lần ghé thăm Thủ đô.

Bên cạnh "hồ Tây danh thắng" còn có một “hồ Tây phi vật thể” với vô số huyền tích bao phủ các di tích miếu, đình, đền, chùa... ở ven hồ và vùng phụ cận. Các làng/ phố xung quanh hồ đến nay vẫn duy trì những lễ hội, phong tục đặc sắc như trò thổi cơm thi ở hội làng Nghè (làng Trung Nha, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), chèo thuyền cạn ở hội làng Hồ Khẩu, hội thề đền Đồng Cổ ở làng Đông Xã (phường Bưởi)... Ven hồ có nhiều làng nghề truyền thống như làng dệt và làm giấy dó Yên Thái; các làng trồng hoa, cây cảnh Nghi Tàm, Nhật Tân, Tứ Liên; làng cá cảnh Yên Phụ, làng xôi Phú Thượng... Dù có nhiều đổi thay, nghề xưa ít nhiều đã mai một, song những làng nghề truyền thống ở Tây Hồ vẫn là niềm tự hào của đất kinh kỳ văn hiến.

Xưa cũng như nay, sóng nước, cảnh quan hồ Tây luôn là niềm cảm hứng cho giới văn nhân, nghệ sĩ, để từ đó làm nên một “hồ Tây nghệ thuật” lãng mạn đến siêu thực. “Giai thoại Thăng Long” kể, đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ gặp nhau ở Tây Hồ và cùng làm thơ xướng họa. Năm 1598, Thám hoa Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Quốc trở về đã dừng nghỉ ở Tây Hồ và gặp Liễu Hạnh, nơi hai người gặp gỡ chính là phủ Tây Hồ ngày nay. Danh sĩ Cao Bát Quát ở thế kỷ XIX trong một lần dạo chơi hồ Tây đã cảm thán: “Tây Hồ chân cá tự Tây Thi” (vẻ đẹp hồ Tây sánh với nàng Tây Thi). Trong bài ca trù “Vịnh Tây Hồ”, Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) mô tả hồ Tây như tiên cảnh: “Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt/ Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền”. Rất nhiều tên tuổi khác cũng để lại tiếng lòng về một vùng đất hữu tình cho hậu thế, tiêu biểu như Nguyễn Du (“Chiêm bao thấy hái sen”), Hồ Xuân Hương (“Vọng Tây Hồ hoài hữu”), Nguyễn Huy Lượng (“Tụng Tây Hồ phú”, “Phong cảnh Tây Hồ”)... Nhiều văn nghệ sĩ thời hiện đại như Tô Hoài, Phó Đức Phương, Trịnh Công Sơn, Phú Quang... cũng ca ngợi vẻ đẹp hồ Tây. Có thể nói, các tác phẩm nghệ thuật về hồ Tây cũng chính là một giá trị đặc biệt nâng tầm hồ Tây trở thành một chủ đề văn hóa đáng kể trong nền văn hóa Việt Nam.

Những lễ hội, nếp làng, phong tục cũ - mới được bồi đắp, tiếp nối qua nhiều thế hệ nơi các làng/ phố ven hồ, kết nối quá khứ với hiện tại và tạo nên những giá trị nhân văn thấm đẫm một vùng không gian. Trầm tích văn hóa của “hồ Tây nhân văn” rất đáng được nghiên cứu, trở thành những chủ đề có tính căn cốt cho phát triển, đặc biệt trong phát triển văn hóa, du lịch.

Vốn có tiếng “nước cả, cá to” nên những tôm hồng, cá chép mình đỏ, cá chép mình trắng, trắm đen, rồi ốc nhồi, lươn... ở hồ Tây đều thơm ngon, chắc thịt. Nhờ vậy, những món ăn dân dã như ốc hấp, ốc om chuối đậu, bún ốc, lươn đúc ống tre, tôm càng nướng, bánh tôm ở nơi đây đã làm nên một “hồ Tây ẩm thực” hấp dẫn, gây thương nhớ cho thực khách. Một đặc sản không thể không nhắc đến của hồ Tây, đó là sen. Rượu sen, gà hấp cánh sen, gà tần hạt sen, chè sen long nhãn, củ sen nấu thả... ở vùng đầm hồ Lãng Bạc xưa từng là những món thời trân. Nhưng có lẽ kỳ công nhất, tinh túy nhất nhất trong các món ẩm thực hồ Tây là trà sen. Có lẽ chỉ những nghệ nhân vùng Quảng An, Tây Hồ mới níu giữ được hương sen thanh tao trên những cánh trà mỏng manh đến như vậy. Hòa quyện hương vị truyền thống vào dòng chảy đương đại, “Hồ Tây ẩm thực” làm nên nét chấm phá độc đáo trong không gian cảnh quan văn hóa đặc biệt của Tây Hồ.

Kiến tạo để phát triển

Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh đầu tư để phát triển du lịch hồ Tây. Đó là việc hình thành phố đi bộ Trịnh Công Sơn - Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, cải tạo các vườn hoa xung quanh hồ Tây, triển khai dự án bảo tồn sen Tây Hồ, tái hiện nghề làm giấy...; tổ chức các hoạt động như thi bơi thuyền, giải chạy marathon, trình diễn drone...

Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều người dân và du khách được tận hưởng vẻ đẹp “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi”, cần có cách tiếp cận khoa học và hệ thống hơn. Đó là phát triển không gian văn hóa hồ Tây theo các phương thức tiếp cận kiến tạo địa điểm mà nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng. Với bốn hình thức kiến tạo địa điểm (tiêu chuẩn, chiến lược, sáng tạo và cục bộ), có thể phát triển nên chuỗi giá trị du lịch văn hóa cộng đồng đầy màu sắc và mang tính hệ thống, dựa trên nền tảng hiện hữu của vùng Tây Hồ.

Có thể phân vùng định hướng phát triển hồ Tây theo các mục tiêu tái lập, bổ sung cảnh quan sinh thái - đưa thiên nhiên trở lại Hồ Tây; thiết lập không gian dành cho hoạt động thể thao, giải trí; khuyến khích phát triển các địa điểm tái hiện nghề truyền thống vùng đất Tây Hồ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan văn hóa; các không gian mới cho các hoạt động nghệ thuật.

Khu vực bán đảo Quảng An là địa điểm có tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài bởi tiềm năng hiện hữu và sự kết nối với sông Hồng trong tương lai, phù hợp để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với phủ Tây Hồ và cảnh quan đặc hữu (bán đảo trong hồ - hồ trong bán đảo).

Ở xung quanh hồ Tây, cần tạo thêm không gian công cộng, quảng trường để tăng cường hoạt động cộng đồng. Việc xây dựng những tiểu cảnh mô tả các áng thi ca ngợi ca vẻ đẹp Tây Hồ sẽ bổ sung những không gian sáng tạo nghệ thuật mới kết nối với “Huyền thoại Tây Hồ”. Có thể thiết lập một đoạn tuyến không gian đầy lãng mạn trên đường Nguyễn Đình Thi kết nối với đường Thanh Niên trên nền tảng các kiến trúc Pháp của Trường THPT Chu Văn An, nhà thủy phi cơ Bảo Đại (hiện bỏ hoang)... Bên cạnh đó, thay vì xây dựng nhà hát hoành tráng, nên chăng cần kiến tạo địa điểm xây dựng sân khấu thực cảnh, lấy mặt nước hồ Tây làm sân khấu, nội dung vở diễn mang đậm bản sắc Thăng Long - Hà Nội và xác định đây là một “đặc sản” chủ lực của du lịch hồ Tây. Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối hồ Tây với sông Hồng, vườn Bách Thảo và khu đô thị mới Tây Hồ Tây... sẽ nâng tầm vị thế trung tâm của hồ.

Các nỗ lực kiến tạo - sáng tạo hướng đến mục tiêu làm hài hòa cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa sẽ là cú hích để phát triển du lịch, từng bước đưa hồ Tây trở thành trung tâm văn hóa - sáng tạo mới của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng, giá trị của hồ Tây: Kiến tạo trung tâm du lịch, văn hóa mới của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.