Năm nào cũng vậy, cứ độ tháng Tư, sen bách diệp của Tây Hồ vào mùa nở rộ. Đây cũng là lúc các nghệ nhân làm trà sen truyền thống Quảng An tất bật vào vụ mới...
Dù hiện nay trà ướp sen có thể được làm ở nhiều vùng, nhiều nơi khác, nhưng nhờ những kinh nghiệm, bí quyết được truyền lại từ bao đời, trà ướp sen Tây Hồ vẫn mang một phong vị thanh tao rất riêng của đất Kinh kỳ.
Thương hiệu “Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt” được công nhận vào năm 2013 và tiếp tục được phát triển từ đó. Đặc biệt, sản phẩm “Trà sen Hiền Xiêm” của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và Lưu Thị Hiền (Quảng An, Tây Hồ) đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Từ sáng sớm, gia đình nghệ nhân Hiền Xiêm đã tất bật thu hoạch sen và bắt đầu các công đoạn chế biến trà, bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê. Bởi, hoa sen chỉ cho hương thơm trọn vẹn nhất khi cánh hoa vừa hé nở.
Bà Lưu Thị Hiền chia sẻ, gia đình bà có nhiều người làm nghề ướp trà sen và hiện nay con cháu đều tham gia, gìn giữ nghề mà ông cha để lại. “Hằng ngày, vợ chồng tôi và các con, cháu miệt mài cùng nhau ướp trà sen. Mọi người trong gia đình từ già đến trẻ, mỗi người một việc, từ tách cánh, phơi nhụy, tách lấy những hạt gạo để riêng... Việc lấy gạo sen rất kỳ công. Người làm phải nhẹ nhàng, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm”, nghệ nhân Lưu Thị Hiền cho biết.
Theo nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, để ướp được 1kg trà sen, phải có 1.500 bông hoa sen, mà thương hiệu Trà Sen Hiền Xiêm thường dùng loại sen bách diệp trồng tại hồ Tây, loại hoa có 100 cánh, vừa được sắc, vừa được hương bởi có nhiều gạo sen, cộng với trà loại ngon, sạch. Phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương gạo sen và 7 lần sấy mới có được trà sen tuyệt hảo.
Tận dụng hương thơm của sen khi cánh hoa vừa hé nở, nghệ nhân cho trà khô vào bên trong những búp sen cùng một nhúm nhỏ gạo sen. Sau đó búp sen được bọc trong lá sen và khéo léo buộc lại bằng lạt ở cuống hoa. Từng búp trà đều được gói trọn trong hương sen. Bông sen ủ trà tiếp tục được cắm trong nước khoảng 24 giờ và được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần.
Nghề ướp trà sen vốn nhiều vất vả, người làm phải thức khuya, dậy sớm, phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy bằng phương pháp thủ công...
Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng khi dùng lò sấy than củi để sấy trà... Công việc này đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không chỉ nghĩ đến lợi nhuận kinh tế.
"Biết nghề nhiều vất vả nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề của gia đình, hiện tại tôi truyền bí quyết làm trà cho các con tiếp tục gìn giữ. Với gia đình chúng tôi, quan trọng nhất làm sao đưa đến những mẻ trà thơm ngon, đạt chất lượng tốt nhất tới tay khách hàng”, bà Lưu Thị Hiền bày tỏ.
Ai đã từng một lần thưởng thức có lẽ sẽ mãi vương vấn bởi hương vị ngát thơm của trà sen Tây Hồ. Và giờ đây, chẳng cần quảng cáo quá nhiều, trà sen Tây Hồ vẫn là một món quà quý đi đến khắp mọi miền đất nước.
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 lần đầu tiên được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 đến 16-7-2024 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Với chủ đề “Sắc sen Hà Nội”, Lễ hội Sen Hà Nội sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm hấp dẫn về hoa sen và đặc sản trà sen của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.