(HNM) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Để có được thành công vĩ đại đó, một trong những bài học quý báu là Đảng và Bác Hồ đã phát huy tối đa được sức mạnh nội lực của toàn dân tộc. 74 năm nhìn lại có thể khẳng định rằng, phát huy sức mạnh nội lực vẫn sẽ là nhân tố quyết định để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Người.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính từ nguồn sức mạnh vô bờ bến này, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, chung sức, đồng lòng chiến đấu, giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia.
Bước vào thời kỳ mới, sức mạnh nội lực của dân tộc tiếp tục được phát huy, thể hiện rõ nét là lòng yêu nước trong mọi hoàn cảnh. Về vấn đề này, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh tinh thần yêu nước là một trong những giá trị, thuận lợi cơ bản của Việt Nam. Tiếp đó, Đại hội XII của Đảng (năm 2016), yêu cầu: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập: Kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người...”.
Không chỉ lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam thời kỳ mới còn bắt nguồn từ lòng dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trí tuệ cùng với một quân đội giữ vững truyền thống và với lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước vững bước tiến lên.
Đặc biệt, sức mạnh nội lực của quốc gia còn là ý chí của toàn dân tộc, lúc này là ý chí chấn hưng đất nước theo định hướng phát triển, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Ý chí đó thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cấp lãnh đạo, quản lý, đó là sức mạnh to lớn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên.
Thấm nhuần những tư tưởng ấy, sau hơn 30 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, nước ta đang phấn đấu vào danh sách một trong 15 quốc gia phát triển nhất về nông nghiệp. Quy mô GDP năm 2018 đạt 245 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.587 USD…
Ngày nay, trên thế giới, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bởi kinh tế phát triển chưa bền vững, thiếu chiều sâu; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Đặc biệt, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí có mặt trầm trọng hơn; nhất là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; tham nhũng, lãng phí...
Giữ vững quan điểm “dân là gốc”
Từ tinh thần Quốc khánh 2-9; nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều thấy rằng, để phát triển như ngày hôm nay, các quốc gia này đã biết khơi dậy và phát huy tối đa nguồn sức mạnh nội lực. Và để đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì việc phát huy nguồn sức mạnh nội lực sẽ phải là nhân tố quyết định.
Do đó, việc đầu tiên cần làm là luôn quán triệt, giữ vững quan điểm “dân là gốc” để đưa đất nước phát triển. Bởi đây là biện pháp vô cùng quan trọng, không thể thiếu để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - cái làm nên sức mạnh nội sinh của đất nước. Các giá trị đó cần thường xuyên được kiểm tra, bổ sung bởi các thế hệ kế tiếp nhau, để trở thành các chuẩn mực, thành linh hồn và sức sống của dân tộc ở mọi thời đại. Hơn nữa, “dân là gốc” còn là thước đo phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Xác định sức mạnh nội lực bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, do đó, cần quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển tinh thần yêu nước của người Việt Nam; cụ thể hóa thành các chính sách, phong trào thi đua yêu nước đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Thực tế, việc giáo dục lòng yêu nước, phát triển các phong trào thi đua luôn được Đảng nhấn mạnh qua các kỳ đại hội và nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhấn mạnh: Xây dựng lòng yêu nước, với mục tiêu “đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.
Muốn phát huy sức mạnh nội lực phải xuất phát từ lợi ích dân tộc, từ phát huy nội lực dân tộc mà mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được để xây dựng đất nước. Hơn nữa, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, trong chính sách đại đoàn kết phải chú ý phát huy tính năng động của mỗi người, mỗi bộ phận để mọi việc từ lãnh đạo, quản lý, đến sản xuất kinh doanh, học tập và lao động đều có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Đồng thời, phải khắc phục được những mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh làm phai nhạt truyền thống đoàn kết, tình nghĩa tương thân, tương ái của dân tộc.
Mặt khác, để phát huy nội lực thì phải xây dựng được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phải chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục đổi mới chính sách giai cấp, chính sách xã hội, đặc biệt coi trọng xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đổi mới, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với công nhân, nông dân, trí thức, với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với các thành phần kinh tế, tập hợp rộng rãi mọi nhân tài, vật lực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh nội lực dân tộc còn đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước. Đồng thời, phải nắm vững phương châm ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta là: Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.