Nghị quyết và Cuộc sống

Phát huy sức mạnh đoàn kết trong giải quyết việc mới, việc khó

Hương Ly 11/12/2023 - 06:18

Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) sau 20 năm triển khai thực hiện đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vận dụng sáng tạo, hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết không chỉ giúp các địa phương, đơn vị hoàn thành những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ mà còn tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

so-tay-an-ninh.jpg
Công an quận Hà Đông hướng dẫn người dân sử dụng “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử”.

Đoàn kết thực hiện nhiệm vụ khó

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn trong gần 40 năm đổi mới.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, quá trình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ cho thấy, dân chủ tiếp tục được phát huy và ngày càng đi vào thực chất. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân.

Tại Hà Nội, thành phố cùng các quận, huyện, thị xã đã vận dụng sáng tạo việc triển khai nghị quyết trong giải quyết nhiều việc khó, chưa có tiền lệ. Trong đó, để triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức đã có những cách làm sáng tạo và hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trong thời gian ngắn. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Thanh Tú cho biết, đến nay, diện tích người dân đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng là 216,43ha; di chuyển được 1.585 ngôi mộ…

Tại quận Hà Đông, việc triển khai nghị quyết được vận dụng sáng tạo trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mô hình “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử” gồm 7 phần chính: Tuyên truyền về định danh điện tử; tội phạm hình sự; tội phạm công nghệ cao; tội phạm ma túy; lĩnh vực giao thông đường bộ; công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử” đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân trên địa bàn quận, bảo đảm 100% hộ dân nắm được số điện thoại của trực ban Công an quận và công an các phường. Từ đó, nhân dân có thể cung cấp thông tin kịp thời với cơ quan công an về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Kết quả triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TƯ sau 20 năm đã khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, thực tiễn triển khai Nghị quyết cũng bộc lộ những hạn chế. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, quá trình triển khai nghị quyết đã cho thấy, việc nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân có lúc, có nơi còn chậm. Thực tế còn nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được phát hiện, đề xuất và giải quyết kịp thời. Đáng chú ý, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thường xuyên, thiếu sâu sát....

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Khi đất nước phát triển nhanh về kinh tế, sẽ có những vấn đề xã hội nảy sinh. Mặt trái của kinh tế thị trường sẽ tạo ra nhiều tiêu cực và mâu thuẫn trong nhân dân...

Nhận định về những khó khăn của Thủ đô, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở những địa bàn có liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư; những khu vực triển khai nhiều dự án liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Không loại trừ khả năng, các thế lực thù địch, phần tử xấu sẽ lợi dụng để kích động người dân tham gia vào các hoạt động khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, trở thành “điểm nóng”…

PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, để tạo động lực thúc đẩy phong trào nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải đáp ứng các lợi ích thiết thực của người dân; giải quyết hài hòa lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phải lắng nghe, thấu hiểu các nguyện vọng chính đáng của nhân dân; từ đó đề ra các hình thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc một cách hiệu quả, thiết thực. Như vậy, vừa có thể bảo đảm tính hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt, phải xuất phát từ thực tiễn tình hình nhân dân để xây dựng các đường lối, chủ trương, chính sách đúng, trúng và phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh đoàn kết trong giải quyết việc mới, việc khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.