(HNM) - Kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh là những khâu rất quan trọng trong quá trình dạy và học. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm cải tiến việc kiểm tra, đánh giá học sinh, song kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Hình thức kiểm tra, đánh giá chưa thực sự khuyến khích, khơi dậy tiềm năng cũng như chưa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của học sinh.
Đứng trước yêu cầu đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011. Với thông tư này, từ ngày 11-10-2020 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước sẽ đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng tăng cường và chú trọng kiểm tra, đánh giá cả quá trình học tập; coi kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập. Sự điều chỉnh này giúp giáo viên chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức), sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, phát huy năng lực bản thân.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá để khích lệ, động viên, tạo động lực cho các em học sinh phát triển toàn diện là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành Giáo dục, nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh.
Việc làm quan trọng ngay trước mắt là đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá để giáo viên nắm bắt thông suốt, từ đó triển khai hiệu quả, tránh cho điểm hình thức, nhận xét chung chung. Trong đó, chú trọng hướng dẫn thống nhất việc xây dựng đề kiểm tra thông qua theo những hình thức mới bảo đảm đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học; có cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.
Về phía các nhà trường, cần thực hiện tốt Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, từng bước thay đổi thói quen của giáo viên, hướng dẫn các thầy, cô giáo cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở; khuyến khích giáo viên áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá, như: Làm bài trắc nghiệm, kiểm tra viết tự luận, thảo luận/tranh luận thông qua tương tác của nhóm học sinh… Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh nói riêng.
Đối với các thầy, cô giáo, bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với nghề, cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, làm chủ được quá trình đánh giá và phải sử dụng nhiều công cụ, phương pháp, hình thức khác nhau để đánh giá. Trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng sản phẩm học tập, bài thực hành… cần hướng dẫn và công bố công khai tiêu chí đánh giá trước cho học sinh nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, tạo động lực cho các em phấn đấu.
Để làm tốt hơn công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, một việc làm quan trọng khác là tăng cường trao đổi, phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Trong đó, cha mẹ học sinh cần ủng hộ quan điểm: Học để phát triển các kỹ năng, hình thành hứng thú, sự tự tin…, không quá nặng nề về điểm số.
Thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá là tiền đề quan trọng giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.