Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy kỳ tích của đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay

TS Lê Văn Cử| 13/05/2019 21:37

(HNMO) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng...

Tiểu đoàn 102 ô tô vận tải - Binh trạm 32 chuẩn bị xuất phát.


1. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của cách mạng miền Nam, tháng 5-1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Bắc Nam - đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn. Đó là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Và để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược này, đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, sức mạnh của vũ khí tối tân hiện đại không thể chiến thắng được bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Để từng bước xây dựng, phát triển tuyến đường chiến lược Trường Sơn chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng quân xâm lược và tay sai, Đảng ta đã phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn.

Theo đó, hàng nghìn cán bộ cao cấp, trung cấp, nhân viên kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng và bộ, ngành được Đảng và Nhà nước điều động vào tuyến đường Trường Sơn. Hàng vạn thanh niên xung phong đã hăng hái cùng các đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Cùng với đó, nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến giao thông vận tải chiến lược được thông suốt. Các nước anh em, bè bạn thế giới dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao, quý báu.

Đặc biệt, các nước bạn Lào và Campuchia đã dành một phần lãnh thổ cho tuyến hành lang chiến lược và phối hợp với bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ tuyến đường.

Điểm cần nhấn mạnh, để làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội Trường Sơn đã có bước trưởng thành lớn mạnh vượt bậc. Lực lượng bảo đảm giao thông vận tải, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược lúc cao nhất lên đến hơn 12 vạn quân, gồm các quân, binh chủng và thanh niên xung phong được tổ chức thành 9 sư đoàn.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tổ chức bảo đảm giao thông vận tải, đánh địch tại chỗ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường thực hiện nhiều chiến dịch lớn đập tan cuộc "chiến tranh ngăn chặn" của đế quốc Mỹ. Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Lực lượng phòng không Trường Sơn chiến đấu bảo vệ đường.


Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.

Điều dễ nhận thấy, những ai đã từng ở Trường Sơn, không thể nào quên được những tháng năm tuổi trẻ ở đây, với chiếc gậy Trường Sơn là bạn "tri kỷ" để chống trơn, là điểm tựa vững chắc trong những cuộc hành quân qua những cánh rừng bom xới, những con đường bom chồng lên bom chi chít, những công binh kiên cường mải miết san đường, để đêm đêm xe thẳng hướng chiến trường, để "Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn/... Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...".

Và ai chỉ một lần có mặt ở đường Trường Sơn, hẳn cũng sẽ hiểu rõ sự hy sinh và sức chịu đựng vô bờ bến của một dân tộc đã mất mát như thế nào cho ngày chiến thắng, đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh.

2. 60 năm trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX. Không những vậy, kỳ tích của đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn còn để lại những kinh nghiệm quý báu: Đó là bài học về vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện trong mở đường chi viện chiến lược trên bộ, trên biển, đưa nhân tài, vật lực của hậu phương miền Bắc và sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đó là bài học về nghệ thuật tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng chiến đấu, mở đường cho phù hợp với tình hình từng giai đoạn; nghệ thuật xây dựng cầu đường trên những địa hình đèo dốc, sông suối chia cắt; nghệ thuật tổ chức tác chiến phòng không bảo vệ lực lượng vận chuyển chi viện chiến lược; nghệ thuật tác chiến bộ binh đánh địch đổ bộ, chốt chặn chia cắt đường vận chuyển; nghệ thuật tổ chức chỉ huy binh chủng vận tải ô tô, chiến thuật vận tải cơ giới; nghệ thuật lãnh đạo chính trị, tư tưởng của một hướng chiến trường có tổ chức của các binh chủng hợp thành...

Đường Hồ Chí Minh xây dựng đã làm thay đổi diện mạo vùng cao Đăkrông (tỉnh Quảng Trị).


Ngày nay, trước bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc vận dụng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ lịch sử, đặc biệt là những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh, của bộ đội Trường Sơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức quan trọng.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, thì trong thời bình, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cần được đầu tư, xây dựng để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Và trên thực tế, đường Hồ Chí Minh năm xưa đã được Đảng, Nhà nước đầu tư rất lớn, là công trình xuyên suốt chiều dài đất nước, là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tầm vóc con đường đã tạo điều kiện đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, dọc theo tuyến đường Trường Sơn, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới cần vận dụng những bài học có giá trị cả về lý luận và thực tiễn của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ở khu vực Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Tây Nguyên.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lực lượng vũ trang nói chung và các đoàn kinh tế - quốc phòng trên dải Trường Sơn và núi rừng Tây Nguyên nói riêng cần tập trung mọi khả năng để xây dựng địa bàn chiến lược này mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội, xứng đáng với truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.

Hơn nữa, để phát huy kỳ tích của bộ đội Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hôm nay phải luôn giữ vững và phát huy truyền thống của bộ đội Trường sơn anh hùng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bất cứ trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên giao với quyết tâm cao nhất. Từ bám trụ trên các chiến trường Trường Sơn, Tây Nguyên, đến triển khai lực lượng trên vùng xa xôi hẻo lánh ở biên giới, bất cứ ở đâu, Binh đoàn cũng phải đem hết sức mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy kỳ tích của đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.