(HNM) - Là một trong 4 trọng trấn của Bắc thành Hà Nội, Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là hiện thân cho một giai đoạn trong lịch sử đất nước; minh chứng thuyết phục cho sức mạnh, lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này trong lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Chưa tương xứng với vị thế của di tích
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Có nhiều năm nghiên cứu khảo cổ về Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc chiếm đất làm thuộc địa diễn ra hầu khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại.
“Hơn thế, Thành cổ Sơn Tây còn có vị thế đặc biệt trong khu vực trung tâm di sản với mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn hội tụ cho văn hóa Xứ Đoài”, ông Tống Trung Tín nêu.
Mang trong mình những giá trị to lớn về nhiều mặt, song nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây được đánh giá còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế của di tích. Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, hiện nay, các hạng mục trong quần thể di tích được bảo tồn, phát huy thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về di tích với công chúng còn hạn chế, số lượng người biết đến di tích không nhiều. Các phương tiện hỗ trợ, hệ thống bia, biển hầu như chưa có gì. Di tích chưa có cán bộ chuyên môn, chuyên trách, hướng dẫn tham quan cũng như chưa được đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân, du khách.
“Đánh thức” tiềm năng di sản đặc sắc của xứ Đoài
Nhằm làm nổi bật vai trò, vị trí và những giá trị tiêu biểu của Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử, văn hóa xứ Đoài, các giải pháp, sáng kiến bảo tồn, phát huy giá trị đang được tích cực huy động, thu hút sự tham góp ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà văn hóa.
Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cần nghiên cứu, phục dựng các hạng mục dinh thự, võ miếu, trại lính, kho vũ khí…; đồng thời tìm hiểu, sưu tầm bổ sung thông tin về những sự kiện nổi bật diễn ra tại đây, từ đó có phương án để khai thác, quảng bá tiềm năng di sản.
Còn Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất, cần tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, với các giải pháp: Nghiên cứu, nhận dạng, tư liệu hóa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị của không gian văn hóa của Thành cổ…
Trong khi đó, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trương Quốc Bình cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, để tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.
Về vấn đề này, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”… Việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ Sơn Tây cũng là một trong những nhiệm vụ được địa phương hướng tới, thiết thực kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, góp phần khẳng định vai trò, vị trí di sản và nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.