Thế giới

Trung Quốc nỗ lực phát triển công nghệ:Nền tảng quan trọng tăng trưởng kinh tế

Hoàng Linh 26/04/2025 - 07:40

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến nỗ lực phát triển công nghệ của Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ đình trệ. Điều này đang đặt ra bài toán không chỉ với chính quyền Bắc Kinh mà với cả các doanh nghiệp hàng đầu nước này trong việc linh hoạt giải pháp thích ứng.

trung-quoc.jpg
Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Huawei tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: BNN

Truyền thông khu vực thông tin, các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như ByteDance, Alibaba hay Tencent trong tháng 4-2025 đã nhanh tay tích trữ số lượng khổng lồ bộ xử lý trí tuệ nhân tạo NVIDIA H20, trị giá khoảng 12 tỷ USD, nhằm bảo đảm sức mạnh điện toán phục vụ hoạt động thời gian tới. Đây là động thái chủ động và kịp thời trước khi Mỹ cắt đứt tuyến cung ứng, dù bản thân Giám đốc điều hành NVIDIA Jensen Huang từng tuyên bố rằng sẽ “nỗ lực mọi cách” để hỗ trợ các khách hàng Trung Quốc.

Nỗ lực mới của các hãng công nghệ Trung Quốc nối dài tiến trình thúc đẩy khả năng tự chủ, tự cường về linh kiện điện toán mà nước này đã theo đuổi nhằm ứng phó với việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu chíp và công nghệ liên quan từ phía Mỹ. Bắc Kinh từ giữa năm 2024 đã thành lập Quỹ Đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia giai đoạn 3 với quy mô kỷ lục 47,5 tỷ USD nhằm thúc đẩy tự chủ bán dẫn. Trong năm nay, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Made in China 2025”, tập trung vào việc phát triển các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, đặc biệt là bán dẫn.

Tất cả nỗ lực trên hướng đến một mục tiêu lớn là nâng cao năng lực tự chủ công nghệ (khoảng 70%), nhằm bảo đảm nền công nghiệp thông minh và tự động hóa của Trung Quốc. Đây là "át chủ bài" cho phép nước này duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Nỗ lực này có bước tiến lớn khi Huawei vừa công bố chíp AI Ascend 920 với hiệu suất khoảng 900 teraflops, đồng thời bắt đầu chuyển chíp Ascend 910C tới tay các khách hàng nội địa. Ascend 910C được tuyên bố là có hiệu năng tương đương NVIDIA H100 (vốn phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và học sâu).

Thực tế, Trung Quốc trong quý đầu năm nay vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về đầu tư vào thiết bị sản xuất chíp máy tính mới. Giáo sư Hideki Wakabayashi (Đại học Khoa học Tokyo, Nhật Bản) nhận định, Trung Quốc khó có thể tự chủ công nghệ bán dẫn “một sớm một chiều”, nhưng hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia hàng đầu ở lĩnh vực này "trong 10 đến 20 năm tới", nhờ vào “sự phong phú của nhân tài trong tất cả các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật”. Sản lượng điện dồi dào của nước này cũng tạo ra lợi thế lớn trong cuộc đua năng lực tính toán.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng khuyến nghị, Trung Quốc nên đẩy mạnh đầu tư (bổ sung khoảng 1.000 tỷ USD so với kế hoạch tài chính hiện nay) để bảo đảm tiến độ của “Made in China 2025”.

Bên cạnh phần cứng, các ông lớn công nghệ Trung Quốc còn chú trọng vào các giải pháp “mềm”, tập trung vào các công nghệ AI chi phí thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực suy luận (inference). Các mô hình mã nguồn mở như DeepSeek với khả năng tận dụng năng lực phần cứng nội địa từ Huawei và Cambricon đang dần thay thế các sản phẩm bị hạn chế từ Mỹ. Dự kiến, lĩnh vực suy luận sẽ chiếm 70% hoạt động tính toán AI vào năm 2026, mở ra cơ hội cho ngành công nghệ Trung Quốc đáp ứng nhu cầu ở những phân khúc ít đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.

Song song với đó, Trung Quốc tích cực tìm kiếm các đối tác thương mại mới và mở rộng hợp tác với các quốc gia khác để giảm sự phụ thuộc về công nghệ vào Mỹ. Gần đây, Bắc Kinh đã tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng thương mại của Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về một hiệp định thương mại tự do ba bên và tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã kích hoạt “cơ chế đặc biệt” để cấp phép nhanh cho các trường đại học mở ngành công nghệ bán dẫn, nhằm đáp ứng “nhu cầu chiến lược cấp thiết nhất” trong bối cảnh nhân lực công nghệ có thể bị ảnh hưởng từ xích mích với phương Tây.

Nhìn chung, làn sóng thuế quan mới từ Mỹ và những bất ổn thương mại toàn cầu đang trở thành động lực để Trung Quốc đẩy mạnh loạt biện pháp toàn diện trong bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp điện toán nước nhà - vốn đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế số 1 châu Á.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc vẫn quyết tâm đạt được tự chủ công nghệ và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Tham khảo số liệu Nikkei, SCMP, Business Daily)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc nỗ lực phát triển công nghệ: Nền tảng quan trọng tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.