Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy “điểm sáng”, giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Hương Ly| 10/06/2017 06:26

(HNM) - Ngày 9-6, Quốc hội dành trọn ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TTXVN


Làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%?

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2016, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,48%). Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%.

Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đã nêu 3 “điểm sáng” mà Chính phủ có thể phát huy để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Thứ nhất là triển khai các nghị quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và việc hình thành tổ công tác để giải quyết “điểm nghẽn”, khai thông chính sách. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2017 cho thấy, nước ta đã tăng từ hạng 91 lên 82. Thứ hạng này còn có thể cải thiện hơn nữa nếu sớm cho nghỉ việc những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, dù nợ công hiện đã sát trần, nợ xấu có lúc đến 17% trên tổng dư nợ, đe dọa an ninh tiền tệ quốc gia, nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, người hưu trí, người có công, gia đình chính sách. GDP bình quân đầu người đạt 2.215 USD là sự nỗ lực lớn.

Thứ ba, 2017 là năm thứ 5 liên tiếp kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá, bảo đảm sức mua đồng nội tệ… Các doanh nghiệp, cá nhân gửi vào ngân hàng hơn 6 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần GDP, giúp bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, không nên để ngân hàng đảm đương toàn bộ nguồn vốn, kể cả ngắn hạn và trung hạn khiến nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Thống nhất duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,7%, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) cho rằng, đây là điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu 6,5 - 6,7% cho cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Bởi GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô, gồm tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và tăng xuất khẩu. Nếu năm 2017, chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng, những năm còn lại sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội) đặc biệt chú ý đến công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bởi đây là một thách thức lớn trong quá trình phát triển… Cử tri phản ánh có nơi 6 tháng, Chủ tịch UBND huyện không tiếp dân theo quy định. Có địa phương, cán bộ cấp quận, huyện bị kiểm điểm hàng chục lần vì sai phạm trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn tại vị.

Khẳng định Chính phủ đã chủ động và nỗ lực cao, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, song đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) cho rằng, sức ép trong điều hành tài chính khi dấu hiệu mất cân đối đang hiện hữu là thách thức lớn cho Chính phủ và Quốc hội. Chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, nhìn từ góc độ dịch chuyển lao động và năng suất lao động. Vai trò kiến tạo của các bộ, các địa phương và lực lượng cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu của Chính phủ. Các nguồn thu chính của nền kinh tế chưa đạt, nợ công, nợ xấu đã báo động, cân đối thu chi nhiều bất ổn... Những thách thức này buộc Chính phủ phải quyết liệt hơn, chọn nội dung ưu tiên để dồn công sức và trí tuệ tạo chuyển biến thực sự.

Không để tái diễn điệp khúc... buồn

Được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế, việc phát triển bền vững ngành Nông nghiệp, việc cải thiện đời sống của nông dân nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Đoàn Văn Việt (Đoàn Lâm Đồng), cử tri lo lắng về tình trạng sản lượng nông sản cao dẫn đến nguồn cung dư thừa, hậu quả là việc giải cứu “tình thế” hàng nông sản vẫn diễn ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu, “doanh nhân hóa” nông dân, “doanh nghiệp hóa” nông nghiệp… Bên cạnh đó, cần xây dựng khung chính sách tạo điều kiện cho địa phương ký kết đẩy mạnh mối liên kết “5 nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông - Ngân hàng, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu để thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng, đất nước xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, nhưng "trụ đỡ" này đang yếu dần, do ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất lớn, nguồn nước bị xâm nhập mặn… Từ tình hình như vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) đề nghị cần thường xuyên đánh giá, dự báo chính xác nhu cầu trong nước và thế giới, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”...

Quan tâm đến việc triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển ngành Thủy sản, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề: 37 con tàu vỏ thép được đóng bằng vốn hỗ trợ của Chính phủ giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, song mới đưa vào sử dụng, 18 tàu đã hư hỏng nặng. Nhà sản xuất cho rằng tàu hỏng là do… nước biển mặn? Một chủ trương có ý nghĩa sâu sắc của Chính phủ đang có nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu mong muốn, Chính phủ sẽ xem xét, xử lý kịp thời, không để “cái sảy nảy cái ung”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 56 đại biểu phát biểu trực tiếp, 5 đại biểu phát biểu tranh luận, nhưng vẫn còn 28 đại biểu đăng ký chưa được phát biểu dù đã kéo dài thời gian thêm 90 phút. Các ý kiến sẽ được Ban Thư ký tổng hợp, phản ánh đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu, tổ chức chỉ đạo thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra.

Xem xét lại hoạt động đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

Trước tình trạng tại Bình Định, tàu vỏ thép vừa hạ thủy đã hư hỏng khiến ngư dân có nguy cơ gánh nợ hàng chục tỷ đồng, trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội ngày 9-6, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, với các hiện tượng như vỏ tàu bị gỉ sét trầm trọng, tróc sơn, máy có vấn đề, nếu giải thích theo hướng do yếu tố môi trường là không thuyết phục.

Nhà nước hỗ trợ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân là một chủ trương lớn, với kỳ vọng giúp ngư dân bám biển và vươn khơi chứ không chỉ đánh bắt ven bờ. Tiếc rằng, khi triển khai một chủ trương đúng đắn và có nhiều ý nghĩa như vậy lại xảy ra sự cố nêu trên. Vì vậy, ông Trương Minh Hoàng đề nghị tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét lại hoạt động đóng tàu, trách nhiệm của các đơn vị tham gia, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm, nếu có.

Hà Phonglược ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy “điểm sáng”, giữ vững mục tiêu tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.