Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy bền vững giá trị di sản

Thanh Thủy| 22/04/2018 07:11

(HNM) - Đổi mới phương pháp giáo dục di sản, tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động văn hóa - du lịch, phục dựng và hồi sinh giá trị di sản… là những gì Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gọi tắt là Trung tâm) nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua.


Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Ảnh: Viết Thành


Giải pháp cốt lõi

Giáo dục di sản là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả. Với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giải pháp này càng quan trọng bởi đây là biểu tượng của nền văn hóa, giáo dục nước nhà, trường đại học đầu tiên của cả nước. Với mục tiêu phát triển số lượng khách tham quan, khai thác nguồn khách tiềm năng, những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nỗ lực tìm tòi phương pháp tuyên truyền, giáo dục di sản mới gần gũi, cuốn hút hơn.

Giám đốc Trung tâm Lê Xuân Kiêu cho biết: Chương trình giáo dục di sản mới có 3 bước, trong đó, mỗi chủ đề là một bài học sinh động. Trước khi tham quan, du khách được khuyến khích tự tìm những hình ảnh, câu chuyện về điểm đến, trao đổi, thảo luận với thành viên trong nhóm. Trong quá trình tham quan, các nhóm tiếp cận di sản theo chủ đề. Sau tham quan là những giờ “làm bài” thu hoạch thông qua hình thức thi làm ống quyển, bút tre, nặn tượng Khuê Văn Các... Kể từ khi khởi động chương trình đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện hiệu quả hàng chục chủ đề, chương trình giáo dục di sản như “Lớp học xưa”, “Bức tranh Mãnh hổ hạ sơn”, “Khuê Văn Các”, “Học tập và thi cử”, “Sách cổ”, “Bia tiến sĩ”, “Môi trường và cảnh quan”…

Sự đa dạng hóa loại hình giáo dục, truyền thông còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động khuyến học cho 2,5 nghìn lượt trường học các cấp với hơn 688 nghìn người tham dự; phối hợp tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa có ý nghĩa như Ngày hội đọc sách, Ngày Thơ Việt Nam, Hội chữ xuân và triển lãm thư pháp…; thực hiện hàng chục triển lãm, cuộc thi tìm hiểu lịch sử khoa cử và truyền thống khoa bảng tại Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, An Giang, Huế…

Đánh giá cao sự sáng tạo của Trung tâm, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) nhận định: Giáo dục di sản với cách tiếp cận, khai thác và phát huy giá trị tổng thể, đặc biệt là khả năng kích thích sức sáng tạo, trí tưởng tượng, khả năng tương tác… đã tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Kết nối truyền thống - hiện đại

Tổ chức các hoạt động văn hóa có sự tích hợp các yếu tố cũ và mới, giữa truyền thống với hiện đại là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, góp phần gìn giữ và tô điểm hình ảnh “một Thăng Long văn hiến trong lòng Hà Nội văn minh, hiện đại”. Đây cũng là những gì mà đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm theo đuổi suốt bao năm qua nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, du lịch di sản, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân và du khách quốc tế.

Trung tâm đã tập trung đầu tư, kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa, từng bước tạo dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều phần việc quan trọng đã được thực hiện như: Tu sửa các công trình, hạng mục xuống cấp; quy hoạch không gian mặt tiền Hồ Văn; đặt quầy vé mới; xây dựng hệ thống logo, biển thông tin, chỉ dẫn thống nhất, khởi động chương trình thuyết minh tự động… Đó là cơ sở quan trọng tạo nên thành công cho các sự kiện văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa di sản đầy sắc màu truyền thống nhưng vẫn tràn ngập hơi thở đương đại. Những sự kiện được đánh giá cao là chương trình tái hiện không gian Tết Trung thu cổ truyền “Thu vọng nguyệt”; “Hội chữ xuân trong không gian Tết truyền thống”; “Trải nghiệm Triển lãm lung linh Sao Khuê”; “Tìm hiểu truyền thống khoa cử xưa qua tài liệu lưu trữ”...

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài góp ý: Trung tâm cần xây dựng cơ sở dữ liệu số với tất cả thông tin liên quan đến di tích tạo nền tảng phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Cần mở rộng chương trình giáo dục di sản; thiết kế, tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ hàng lưu niệm rõ tính đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hoạt động tham quan về đêm.

Sau 30 năm Trung tâm thành lập (ngày 25-4-1988) và đi vào hoạt động, từ một công trình xuống cấp nghiêm trọng, đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hà Nội. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đón tiếp gần 2 triệu lượt khách tham quan, đáp ứng tương đối đầy đủ yêu cầu của một địa chỉ ngoại giao văn hóa. Sắp tới, Trung tâm sẽ ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ công tác trưng bày, xây dựng chương trình tương tác, trải nghiệm… để “kể” cho du khách những câu truyện lịch sử liên quan tới di tích. Trung tâm cũng sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp nhằm bổ sung, nâng cấp các sản phẩm du lịch trên tinh thần cam kết tuân thủ Luật Di sản văn hóa...

Với cách làm sáng tạo, trách nhiệm của Trung tâm, hy vọng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống di sản văn hóa Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy bền vững giá trị di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.