Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất

Đình Hiệp| 05/11/2022 12:40

(HNMO) - Sáng 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua nhiều cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

 Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) chất vấn.

Còn bất cập trong công tác thanh tra

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) cho biết, thời gian qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thế nhưng, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự. Đại biểu băn khoăn, phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có tiêu cực trong quá trình thanh tra và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn.

Về nội dung trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua khi tiến hành thanh tra, cơ quan thanh tra làm việc cùng với cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, một vấn đề cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về đánh giá sự việc đó có hay không sai phạm. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về cơ chế, chính sách thay đổi khi trải qua nhiều thời kỳ; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để tính đúng sai.
Ngoài ra, trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vấn đề thì yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục về kinh tế để tránh thất thoát. Vì vậy, sẽ có trường hợp có khả năng xử lý về mặt kinh tế được thì cho thời hạn, quá thời hạn đó, phải chuyển cơ quan điều tra.

Báo cáo thêm với Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra có kết luận khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm của hai cơ quan này làm khác nhau, vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều khi chứng cứ có bổ sung, cơ quan thanh tra cũng đã có một số việc phát hiện được và đã chuyển cho cơ quan điều tra và sau đó Ủy ban Kiểm tra mới vào cuộc.

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn Thanh Hóa) về sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm đối với lĩnh vực ngân hàng như tiền tệ, cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, phòng, chống rửa tiền… Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra việc thu, chi các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại. Sau thanh tra, đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn sáng 5-11.

Vướng mắc nổi bật nhất là việc xác định lại giá đất

Về vướng mắc trong xác định lại giá đất như chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn thành phố Hà Nội), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin, thời gian qua, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, vướng mắc nổi bật nhất là việc xác định lại giá đất theo kết luận thanh tra, kiểm tra bản án. Để khắc phục, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định 153 để giải quyết tổng thể vấn đề này. Theo đó, các địa phương có khó khăn cần báo cáo Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, trên cơ sở đó trình Quốc hội ra Nghị quyết đặc thù giải quyết vấn đề này.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, thời gian, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu và kết luận thanh tra còn chậm, còn chồng chéo giữa kiểm toán và kiểm tra. Theo đại biểu, các nguyên nhân mà Tổng thanh tra đã nêu trong báo cáo cũng như giải trình, trả lời chất vấn vẫn thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là số lượng các cuộc tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, hiện nay, không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành Thanh tra. Do đó, đại biểu đề nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ phải có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Các đại biểu chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9-2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành. Theo tài liệu cung cấp bởi thư viện Quốc hội, trong số này 90% là các cuộc kiểm tra, chỉ 10% là thanh tra.

Trên thực tế, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng là một số cơ quan Nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra, chỉ bằng cách tiếp cận doanh nghiệp không gọi là thanh tra mà gọi là kiểm tra. Hoạt động kiểm tra hiện nay thì không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch dẫn tới nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Vì vậy, có ý kiến đại biểu Quốc hội là bổ sung quy định về kiểm tra vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) để đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Trả lời chất vấn tại phiên họp về vấn đề hơn 10 năm thanh tra, kiểm tra tới hơn 2 triệu cuộc nhưng thanh tra chỉ có 10%, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào. Dự thảo luật đã có một điều, khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và quy định riêng cho hai hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.