Nhiều đối tượng đã lập những trang web giả mạo cơ quan, tổ chức, đơn vị giống tới 99%, đồng thời lập các trang Facebook hoặc fanpage, hội nhóm Zalo và lừa đảo có tổ chức.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7-9, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, trong tháng 8-2024, cả nước xảy ra 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng hơn 11%, chiếm gần 16% trong cơ cấu tội phạm, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ.
Có 3 thủ đoạn chính trong lừa đảo qua mạng. Thứ nhất, giả mạo các cơ quan, tổ chức để yêu cầu người dân chuyển tiền nộp thuế, nộp phạt vi phạm hành chính, cung cấp thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, giả mạo website của các tập đoàn, thương hiệu lớn đưa ra thông tin giả mạo về chương trình đầu tư, huy động vốn, tuyển dụng... nhằm lừa người dân chuyển tiền vào các tài khoản giả mạo.
Thứ ba, lập các website, Facebook... có logo, thông tin của các trường đại học để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học hoặc các cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu cài các ứng dụng giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước diễn biến trên, Bộ Công an đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trọng tâm là tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo.
Đi đôi với đó là triển khai các biện pháp đấu tranh; rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng (từ tháng 3-2024 đến tháng 8-2024 đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến). Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, xây dựng cơ chế phối hợp "khẩn cấp" truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Đơn vị sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, trên không gian mạng; chú trọng phối hợp chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại…
Người dân không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện từ, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.