(HNM) - Ngày 12-1, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo số 14/BC-UBND về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và Công văn 4635 ngày 21-12-2012 của Bộ Nội vụ về kết quả kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã năm 2011-2012.
Theo đó, ngay sau khi có thông tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức, UBND TP đã giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức tại các quận, huyện, thị xã. Do số lượng dự thi đông, qua nhiều lần tổ chức tuyển dụng, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tự kiểm tra và báo cáo về Sở, đồng thời thành lập 3 đoàn kiểm tra do một phó giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ, kiểm tra trực tiếp tại huyện Thanh Trì, Ứng Hòa và quận Hà Đông.
Cũng theo báo cáo trên, năm 2012, chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục toàn TP là 6.456 giáo viên, trong đó xét đặc cách giáo viên mầm non là 3.945; xét tuyển 2.511 (trong đó cấp THCS là 355, tiểu học là 745, mầm non là 1.411). Tổng số thí sinh dự xét tuyển là 6.748 hồ sơ/2.511 chỉ tiêu. Tổng số trúng tuyển kể cả xét đặc cách là 6.315 giáo viên. Hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã cũng đã tiếp nhận và xử lý 23 đơn đề nghị và 12 đơn tố cáo. Qua đó, hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã đã phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng cấp III để đi học trung cấp chuyên nghiệp (trong đó riêng huyện Mỹ Đức có tới 30 trường hợp); thị xã Sơn Tây và huyện Hoài Đức, mỗi đơn vị phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng giả để dự tuyển.
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, 28/28 quận, huyện, thị xã (quận Tây Hồ không tổ chức tuyển dụng) đều ban hành kế hoạch tuyển dụng và công bố công khai; thành lập Hội đồng tuyển dụng và các ban giúp việc đúng quy định, trách nhiệm, quyền hạn... Sau khi công bố kết quả tuyển dụng, hầu hết các Hội đồng không nhận được các đơn thư thắc mắc của thí sinh về điểm thi. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội nhận định, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện khâu dễ xảy ra sai sót là khi lên điểm, vào điểm nếu không có biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra nhiều lần. Khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành bài giảng nên cần phải lắp đặt camera, ghi âm để giám sát; vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ; vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng THPT giả; nhiều trường hợp bị các đối tượng xấu mạo danh, lừa đảo, hứa hẹn giúp "chạy vào công chức, viên chức" để chiếm đoạt tài sản...
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, qua kiểm tra, đã phát hiện một phụ nữ trú tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm mạo danh cán bộ ngành nội vụ để lừa đảo "chạy" công chức ngành giáo dục, chiếm đoạt khoảng 280 triệu đồng của 3 người. CATP Hà Nội đang điều tra, làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.