Đây là thông tin mà ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) trao đổi với báo chí ngày 15-6.
Tuy nhiên, ông Phụng cho biết hơn 30 đơn vị này chỉ là liên quan, chứ chưa kết luận có vi phạm trốn thuế, rửa tiền hay không. Hiện, ngành Thuế và các cơ quan chức năng đang rà soát, nghiên cứu để có kết luận, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp, bảo đảm minh bạch, nhưng không làm tổn hại đến môi trường đầu tư.
“Tổ công tác hiện nay mới dừng ở giai đoạn rà soát thông tin, chưa có căn cứ để kết luận gì về việc các cá nhân, tổ chức này có vi phạm gì hay không. Các thông tin được nêu trong hồ sơ rất sơ sài, chỉ bao gồm tên tiếng Anh không dấu, sắp xếp trật tự không theo cách đặt tên của người Việt và địa chỉ kèm theo ở Việt Nam có khi đến xác minh thì lại không có thực”- ông Phụng cho biết.
Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt thấp
Liên quan đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu NSNN 5 tháng năm 2016 do cơ quan Thuế quản lý đạt 337.105 tỷ đồng, đạt 41,6% dự toán, bằng 106,1% so cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, thu dầu thô đạt 15.890 tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán, bằng 51,9% so với cùng kỳ năm 2015. Thu nội địa do ngành Thuế quản lý đạt 321.215 tỷ đồng, bằng 42,5% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, đáng chú ý là khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 32,6% dự toán, bằng 83,6% so với cùng kỳ, do tác động của giá dầu, khí giảm; đồng thời, số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp (đạt 25,2% dự toán, bằng 80,5% so với cùng kỳ năm 2015).
Riêng số thu từ cổ tức sau 5 tháng đầu năm, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện đạt thấp khi chỉ ở mức hơn 13.500 tỷ đồng- khoảng hơn 25% dự toán. Theo dự toán năm nay, nguồn thu từ cổ tức cả năm dự kiến phải đạt khoảng 55.000 tỷ đồng. Chỉ ra lý do, ông Phụng cho rằng, nhiều công ty hiện mới trong giai đoạn "rục rịch" tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Ngành Thuế phấn đấu thanh kiểm tra 18% số doanh nghiệp năm 2016. |
Ông Phụng cũng cho biết việc thu từ cổ tức ngành thuế không thể "can thiệp thô bạo”, vấn đề này phải thực hiện theo luật, phải dùng sức ép từ người đại diện phần vốn Nhà nước tại các đơn vị.
Nhận định về nguyên nhân khiến cho việc thu NSNN vẫn kém sáng sủa, Tổng cục Thuế cho biết tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại, tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP quý I-2016 mới đạt mức 5,46%, (mục tiêu đề ra năm 2016 tăng 6,7%, cùng kỳ năm 2015 tăng 6,12%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 7,5% (cùng kỳ năm 2015 tăng 9,4%). Số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng nghỉ kinh doanh còn lớn, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 19,5%, số doanh nghiệp khó khăn, tạm dừng hoạt động tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2015; rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, hải sản chết bất thường ở các tỉnh Bắc Trung bộ; ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... đã có những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và nguồn thu NSNN tại một số địa phương.
Đặc biệt, giá dầu thô giảm sâu (mức giá thanh toán bình quân 5 tháng đầu năm mới đạt mức 38,1 USD/thùng thấp hơn 21,9USD/thùng so với giá dự toán và thấp hơn 21,1USD/thùng so với cùng kỳ năm 2015) tác động đến số thu NSNN từ lĩnh vực dầu, khí, các hoạt động dịch vụ phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí... ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NS 5 tháng đầu năm.
Đẩy mạnh quản lý và cưỡng chế nợ thuế
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2016 mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu nội địa năm 2016, Tổng cục Thuế cho biết sẽ thực hiện triệt để 9 giải pháp. Trong số này, ngành lưu ý tới việc thanh tra, kiểm tra, quản lý và cưỡng chế nợ thuế.
Cụ thể, để đảm bảo tổng số nợ thuế đến thời điểm 31-12-2016 không vượt quá 5% tổng thu NS năm 2016, ngành sẽ tổ chức theo dõi chặt chẽ số nợ thuế từng địa bàn, lĩnh vực, thực hiện phân loại các khoản nợ thuế để áp dụng biện pháp thu nợ kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, ngành Thuế sẽ giao chỉ tiêu thu nợ từng tháng, quý cho đơn vị quản lý thu đến từng cán bộ quản lý để triển khai thu hồi nợ thuế. Kiên quyết áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế để thu hồi tiền nợ thuế cho NSNN theo đúng quy định của Luật Quản lý Thuế, chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.
Thực hiện giám sát chặt chẽ hoàn thuế đối với từng hồ sơ hoàn thuế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống các hành vi gian lận, trốn thuế, trong đó chú trọng việc thanh tra chuyên đề chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng để khai thác tăng thu NSNN.
Tập trung triển khai công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế còn nợ thuế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình quản lý nợ thuế.
Ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu năm 2016 đạt 18% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế được thanh tra, kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.