(HNMO) - Chiều 10-8, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phát động phong trào và ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô và tiêu chí cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” trong các cơ quan báo chí Thủ đô.
Tới dự hội nghị có các đồng chí: Tô Quang Phán, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí Thủ đô.
Phát biểu phát động triển khai kế hoạch phong trào thi đua, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán, cho biết: Ngày 21-6-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân tổ chức phát động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam”.
Thực hiện các văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã có Công văn số 87/CV-HNB gửi các cơ quan báo chí Hà Nội đề nghị Ban Biên tập phối hợp với Liên Chi hội, Chi hội nhà báo phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của phong trào và 12 tiêu chí tới người làm báo, người lao động; động viên toàn thể các cơ quan nhiệt tình hưởng ứng… Đến thời điểm hiện tại, một số cơ quan báo chí Hà Nội như Hànộimới, Kinh tế và Đô thị, Tuổi trẻ Thủ đô đã tổ chức thực hiện các nội dung trên.
Để hưởng ứng và triển khai phong trào trên đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua tới các cơ quan báo chí Thủ đô và người làm báo Thủ đô; cam kết duy trì thường xuyên, liên tục, tạo nền nếp, từ đó, tạo nên các sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội của Thủ đô, đất nước.
Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa với sự nghiệp phát triển của đất nước, Thủ đô nói chung và mỗi cơ quan báo chí nói riêng.
Phong trào cũng nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô và tiêu chí cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, văn hóa không chỉ là chuyện học vấn, xây dựng môi trường văn hóa phải đi vào vấn đề căn cơ, cốt lõi, phải từ người gác cổng cho tới cán bộ, nhân viên, đội ngũ người làm báo trong mỗi cơ quan báo chí.
Xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập cần chú trọng những giá trị chuẩn mực, trong cơ quan, đơn vị các đồng nghiệp phải yêu thương, chia sẻ, động viên, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Trên cơ sở các nội dung phong trào thi đua, đồng chí Phạm Thanh Học đề nghị, các cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô tổ chức triển khai, thực hiện các tiêu chí để phong trào thi đua lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức đã công bố bản tiêu chí của phong trào, đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô và người làm báo tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.
Nội dung phong trào thi đua gồm: Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo. Trong đó, cơ quan báo chí cần nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; xây dựng tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện trong cơ quan; đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí, nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”…
Người làm báo cần có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích nội quy, quy chế quy định của cơ quan, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức; ứng xử chân thành, thân ái, sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ đồng nghiệp; tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.