Tờ Le Monde cho biết, toàn bộ lực lượng cảnh sát Paris hiện đang được huy động để truy lùng 3 kẻ khủng bố trong vụ sả xúng.
Theo nguồn tin báo chí, 2 trong số 3 kẻ khủng bố là anh em trai, tuổi khoảng 32 và 24 tuổi, người gốc Paris, sống ở quận 10, sát trụ sở tòa soạn Charlie Hebdo ở quận 11. Tên thứ ba nhiều khả năng trẻ hơn, chỉ khoảng 18 tuổi, là học sinh lớp 12 tại một trường cấp 3 ở Reims.
Trao đổi với phóng viên Thùy Vân - thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp về diễn biến tình hình.
** Hẳn là người dân Paris vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng vào trụ sở tòa soạn tờ báo châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris khiến 12 người thiệt mạng. Cho đến lúc này, đã có những thông tin gì về hung thủ cũng như động cơ của vụ tấn công hay chưa?
PV Thùy Vân: Đến giờ này ở Pháp, tức nửa đêm giờ Paris, có thể nói cả nước Pháp đang thức trắng chờ đợi những thông tin mới nhất, trong khi đã bước sang những giờ phút đầu tiên của ngày Quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân.
Cả nước Pháp đang thức trắng chờ đợi những thông tin mới nhất |
Những thông tin chính thức mới nhất được đưa ra từ sau buổi họp báo của công tố viên trưởng Paris vào đầu giờ tối. Theo đó, đã có 3 nghi phạm tham gia vào vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo chứ không phải 2 như thông tin ban đầu. 2 kẻ đã trực tiếp cầm súng xông vào tòa soạn giết hại các nhân viên của báo, kẻ thứ 3 được cho là đứng ngoài cảnh giới.
Sau khi rời khỏi tòa nhà, những kẻ này đã bị cảnh sát truy đuổi và đã diễn ra 3 cuộc đọ súng giữa cảnh sát với những tên khủng bố. Ở cuộc đọ súng đầu tiên gần tòa soạn Charlie Hebdo, một cảnh sát đã bị sát hại. Trên đường tháo chạy, những tên khủng bố còn đâm xe làm bị thương một nữ tài xế. Tiếp đó, chúng đã cướp một chiếc ô tô khác và tẩu thoát về phía Bắc Paris, sau đó vứt xe ở quận 19 và chạy trốn. Đầu buổi tối, cảnh sát Pháp đã lục soát 2 căn hộ tình nghi nhưng chưa có thông tin.
Tin tức mới nhất mà tờ Le Monde vừa đưa lên cho biết, hiện cảnh sát Pháp đã xác định được danh tính của 3 kẻ khủng bố và đang ráo riết truy bắt. Toàn bộ lực lượng cảnh sát Paris đã được huy động để truy lùng những kẻ này.
Theo kênh châu Âu 1, trong số 3 kẻ tình nghi, có 2 anh em trai khoảng 32 và 24 tuổi, có khả năng là người Paris sống ở quận 10 sát quận 11 nơi có trụ sở tòa soạn báo Charlie Hebdo. Tên thứ 3 có thể trẻ hơn, chỉ khoảng 18 tuổi, vừa đăng ký lớp 12 tại một trường cấp ba ở thành phố Reims - cách Paris khoảng 150km về phía Đông – nơi cảnh sát Pháp tăng cường tìm kiếm suốt đêm thứ 4. Một chứng minh thư và một số phụ kiện như hai túi xách thể thao, băng nạp đạn AK được thu thập trong chiếc xe bị bọn chúng bỏ lại…
Một thông tin nữa theo báo chí, là một trong hai anh em kẻ tinh nghi đã từng bị truy đuổi vì dính đến một vụ khủng bố vào năm 2008, hắn bị cho là nằm trong “mạng lưới Irak” tại quận 19 của Paris. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được khẳng định chính thức.
** Vậy vấn đề đảm bảo an ninh tại Paris cũng như trên toàn nước Pháp hiện nay như thế nào?
PV Thùy Vân: An ninh ở thủ đô Paris và vùng Ile-de-France hiện vẫn đang được đặt trong tình trạng cao nhất của hệ thống an ninh Vigipirate, ở mức “báo động khủng bố”. Ngoài cảnh sát thì hiến binh và quân đội cũng đã được huy động để bảo vệ an ninh, không chỉ ở Paris mà còn trên toàn nước Pháp.
Những điểm được ưu tiên bảo vệ là nhà ga, bến tàu, các cơ quan công quyền và đặc biệt là các điểm công cộng bởi lẽ, ngay trong chiều tối qua, hàng trăm nghìn người dân Pháp trên khắp cả nước đã đổ xuống đường bày tỏ sự đoàn kết với các nạn nhân và lên án vụ khủng bố đẫm máu.
Tôi đã có mặt ở quảng trường Cộng hòa ở thủ đô Paris tối qua, nơi chỉ cách hiện trường vụ xả súng hơn 1km và chứng kiến bầu không khí. Hơn 3 vạn người đã có mặt. Họ hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Charlie Hebdo và bày tỏ sự quyết tâm chiến đấu đến cùng chống lại chủ nghĩa khủng bố.
** Tổng thống Pháp gọi vụ xả súng là vụ tấn công khủng bố. Theo nhận định của chị, nước Pháp sẽ có những biện pháp gì để chống khủng bố cũng như ngăn chặn các vụ tấn công tương tự?
PV Thùy Vân: Từ nhiều năm nay, chính phủ Pháp đã lường trước các nguy cơ bị tấn công khủng bố nên đã xây dựng chương trình Vigipirate để sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là sau vụ Merah gần 3 năm trước ở Toulouse.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố là một cuộc chiến lâu dài và phức tạp. Những kẻ khủng bố là những kẻ không lộ diện, chúng có thể mang vỏ bọc là những công dân tốt nhưng ngay lập tức có thể trở thành một kẻ sát nhân man rợ.
Đối phó với chủ nghĩa khủng bố là phải diệt trừ mọi gốc rễ sinh ra nó, từ các xung đột tôn giáo đến các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là chênh lệch giàu-nghèo.
Với thế giới văn minh, chủ nghĩa khủng bố là một bài toán nan giải và nước Pháp cũng không thể tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy đó, nhất là khi về đối ngoại và quốc phòng, Pháp đang có sự can dự ở nhiều điểm nóng trong thế giới Hồi giáo như Syria, Mali…
Thêm một điều nữa, đó là nguy cơ lớn đối với nước Pháp, cũng như nhiều nước phương Tây khác, đó là sự khủng bố đến từ những cá nhân đơn lẻ mang tư tưởng cực đoan, hay còn gọi là những “con sói đơn độc”. Những kẻ này sống lẫn trong xã hội và rất khó kiểm soát. Ở nước Pháp, có cả một thế hệ thanh niên đang bị gạt ra ngoài lề xã hội vì thất học, không công ăn việc làm nên rất dễ bị lôi kéo vào các làn sóng cực đoan. Để đối phó với những kẻ này là một cuộc chiến dài lâu và cam go.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm một điều rằng nước Pháp bên cạnh việc bảo đảm an ninh cũng đang nỗ lực để tránh đánh đồng đạo Hồi với bọn khủng bố cực đoan. Nhiều thông điệp được phát đi để thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng đông đảo tới khoảng 4 triệu người Hồi giáo đang sống tại nước Pháp, phần đông sống ôn hòa và thiện chí. Có thông điệp kêu gọi người hồi giáo sát cánh cùng người Pháp trong cuộc chiến truy diệt bọn khủng bố.
Nước Pháp rõ ràng không muốn khuấy động sự hằn thù có thể dẫn đến một thảm kịch về an ninh, xã hội trong lòng nước Pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.