(HNMO) - Pháp hy vọng sẽ bắt đầu rút quân ra khỏi Mali trong tháng 3, Ngoại trưởng Pháp nói với tờ báo Metro.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, quân đội sẽ tiếp tục các hoạt động ở miền bắc Mali, nơi được nhận định "vẫn còn một số nơi trú ẩn của khủng bố".
Cuộc phỏng vấn của ông đã được đăng trên trang web của Metro hôm qua, 5/2, và được đăng trên tờ Metro báo giấy ngày 6/2.
Theo yêu cầu của Mali, Pháp đã tiến hành một cuộc tấn công trong tháng trước để truy quét phiến quân tại nước cựu thuộc địa của mình. Chiến dịch mặt đất và trên không đã đẩy các phiến quân Hồi giáo vốn chiếm giữ khu vực phía bắc chạy trốn vào vùng sa mạc rộng lớn.
Một người đàn ông tìm kiếm tại đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Pháp ở Douentza, Mali, hôm 5/2. Thị trấn này đã được quân Pháp và Mali chiếm lại hồi tháng trước |
Tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến thăm Timbuktu, chỉ vài ngày sau khi quân đội Pháp giải phóng thành phố truyền thuyết này khỏi tay phiến quân Hồi giáo.
"Chúng tôi phục vụ cho một lý do được xác định trong khuôn khổ của Liên hợp quốc ... để đưa toàn bộ lãnh thổ Mali nằm dưới quyền hợp pháp của tổng thống Mali và các nhà lãnh đạo sau này, những người sẽ được bầu bởi người dân Mali", ông Hollande phát biểu hôm 2/2. Ông cũng cho biết, quân đội Pháp không đến Mali để can thiệp vào chính trị.
Tháng 12/2012, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cho phép một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quân sự 1 năm tại Mali. Các thành viên của Cộng đồng kinh tế Tây Phi cũng đã cam kết gửi hàng nghìn binh lính đến Mali và Hội đồng Bảo an đã kêu gọi các nước khác đóng góp lực lượng. Pháp có 2.150 binh sĩ ở Mali và 1.000 quân khác hỗ trợ hoạt động từ nơi khác.
Các lực lượng do Pháp dẫn đầu giờ đã kiểm soát Timbuktu, thành phố Gao, cùng với một vùng đất ở giữa hai địa điểm này, vốn là một thành trì của quân nổi dậy Hồi giáo gần một năm nay.
Pháp đã đưa quân theo yêu cầu của Mali sau khi những kẻ Hồi giáo cực đoan chiếm giữ thị trấn chiến lược Konna hôm 10/1. Thị trấn này giờ đã nằm dưới sự kiểm soát của Mali.
Năm ngoái, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã chiếm một vùng đất rộng lớn ở phía bắc, lợi dụng sự hỗn loạn sau một cuộc đảo chính quân sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.