Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phập phồng nỗi lo thua lỗ

Quỳnh Dung| 03/11/2011 06:48

(HNM) - Hiện nay đang là thời điểm các trang trại (TT) chăn nuôi bước vào giai đoạn tái đàn, cung cấp thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Nhưng thời gian qua, giá các loại thịt gia súc, gia cầm biến động thất thường cộng với chi phí


Chăm sóc đàn lợn tại hộ chăn nuôi ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (Chương Mỹ) cho biết, nghề chăn nuôi phát triển khoảng 10 năm, nhưng chưa bao giờ nông dân lại gặp khó khăn như hiện nay, giá cả lên xuống thất thường. Hiện toàn xã có 37 TT, trong đó có 33 TT chăn nuôi gà, 4 TT chăn nuôi lợn; trung bình khoảng 5.000 con gà/trại. Từ đầu năm đến nay các hộ nuôi được 6 lứa gà, nhưng chỉ có 5 lứa có lãi chút ít, lứa cuối cùng đầu tháng 10 vừa qua lỗ nặng vì giá giảm tới 20-30% so với đầu năm. Đang bước vào thời điểm tái đàn nhưng các hộ vẫn ngần ngại chưa dám nhập giống.

Chị Vương Thị Tường, chủ TT chăn nuôi gà ở thôn Đồng Lanh cho biết, chị có 3 TT chăn nuôi gà, mỗi TT gần 2 vạn con. Khoảng một tuần nay, giá gà thịt đã có dấu hiệu nhích lên, với mức tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9, nhưng các thương lái mua với mức độ cầm chừng. Theo chị Tường, để đầu tư cho một TT chăn nuôi gà, chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng, thời gian quay vòng vốn mất 3-4 tháng nhưng lãi rất ít. Ngoài giá con giống tăng 10%, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khoảng 15%, lãi suất ngân hàng tăng, rồi dịch bệnh, người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước đây giá gà xuất tại chuồng là 80 nghìn đồng/kg, thì có lãi chút ít. Nhưng hiện giá chỉ còn 60 nghìn đồng/kg, người nuôi coi như hòa vốn, không có lãi để tái đầu tư sản xuất.

Anh Nguyễn Trọng Long, chủ TT chăn nuôi lợn quy mô trên 3.000 con ở xã Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, hiện nay đầu tư phát triển chăn nuôi đang bấp bênh, ít lãi mặc dù chăn nuôi TT quy mô lớn. Hiện TT đang xuất lợn hơi với giá từ 51.000 đến 53.000 đồng/kg. So với thời gian đỉnh điểm, lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg, thì hiện giá đã giảm đến 25%. Nếu tính toán kỹ và phòng chống dịch bệnh tốt, các TT chỉ lấy công làm lãi.

Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, còn 3 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây chính là thời điểm nuôi lứa gà mới cung cấp thực phẩm cho thị trường cuối năm. Nhưng các chủ TT cũng chỉ nhập giống nhỏ giọt, dè chừng nghe ngóng tình hình, giá cả thị trường, chứ không dám tái đàn mạnh. Thông thường thì những tháng Tết, nhu cầu về thịt sẽ tăng từ 10-15% và giá sẽ phục hồi. Nhưng với giá giống gia cầm vẫn đang cao khoảng 25 nghìn đồng/con, cộng với một loạt chi phí khác như thức ăn, điện, vận chuyển, nhân công… đến cuối năm giá gà thịt nuôi công nghiệp xuất chuồng phải đạt mức 37-38 nghìn đồng/kg thì mới có lãi, còn nếu vẫn giữ giá như hiện nay là 33 nghìn đồng/kg, cầm chắc nông dân lỗ nặng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các hộ chăn nuôi đang chờ thời cơ, nếu giá các loại thịt gia súc, gia cầm tăng trở lại, dịch bệnh được khống chế, sẽ tái đàn, nhưng không ồ ạt như các tháng đầu năm. Ông Cấn Xuân Bình, phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị, các địa phương và người dân cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm; ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm hỗ trợ người chăn nuôi yên tâm tái đàn để cung cấp thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 26 triệu con lợn; đàn trâu, bò có hơn 8 triệu 500 nghìn con; đàn gia cầm hơn 293 triệu con. Nhưng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều TT chăn nuôi giảm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải "treo chuồng", ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thực phẩm trong nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phập phồng nỗi lo thua lỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.