(HNM) - Những ngày qua, trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thảo luận những dự thảo luật (sửa đổi) quan trọng có tác động đặc biệt tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điển hình như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Cư trú; Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật… Và mới đây nhất là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Có thể thấy, qua nhiều kỳ họp, việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, chú trọng tính thực tiễn của luật trong thực tế cuộc sống luôn là vấn đề được Quốc hội và các ĐBQH đặc biệt quan tâm. Vì vậy, chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội đã có những bước chuyển mạnh để hướng tới mục tiêu đó. Nhiều ĐBQH thẳng thắn đề xuất, kiên quyết không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự thảo chưa được nghiên cứu kỹ, chưa có đầy đủ hồ sơ, không bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng. Đồng thời, đưa kết quả xây dựng pháp luật là một trong những căn cứ cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã được giao chuẩn bị soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.
Điều đó là rất cần thiết. ĐBQH Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) cho biết: Nhiều cử tri kiến nghị với Quốc hội về thực trạng hiện nay luật pháp ban hành ngày càng nhiều, nhưng bệnh "nhờn luật", việc luật không đi vào cuộc sống đang gia tăng. Chất lượng văn bản pháp luật còn thấp với việc nhiều văn bản, nhiều điều, khoản chung chung, chưa điều chỉnh những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Một ví dụ cụ thể: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có hiệu lực từ tháng 1-2006) được kỳ vọng sẽ kiểm soát tình trạng lãng phí vốn được xem là nguy hại ngang với nạn tham nhũng. Tuy nhiên sau 7 năm thực hiện, báo cáo của Chính phủ thừa nhận: "Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực", từ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước… Thực tế đó cho thấy, luật hiện hành chưa tạo ra cơ chế hiệu quả để ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi gây lãng phí. Do đó, 7 năm sau khi luật có hiệu lực, không có một tổ chức, cá nhân người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Còn có thể viện dẫn khá nhiều ví dụ tương tự. Đây cũng là lý do khiến ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Hải Phòng) nhìn nhận: Ngay cả việc ban hành luật của Quốc hội, nhiều đạo luật nằm trên giấy không đi vào cuộc sống thì đó cũng là một loại lãng phí.
Như vậy tầm quan trọng của vấn đề xây dựng các văn bản pháp luật đã được nhìn nhận và khẳng định; những tác động, ảnh hưởng tới từng khía cạnh, lĩnh vực xã hội khi luật ban hành không phát huy được hiệu quả trong thực tế đời sống cũng đã được phân tích, đánh giá. Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng như để những dự thảo sửa đổi luật có thể điều chỉnh hiệu quả những vấn đề bức thiết của đời sống, vai trò của các ĐBQH là rất quan trọng. Những ý kiến phân tích, đóng góp, đề xuất của các ĐBQH vừa phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, vừa phát huy trí tuệ, tư duy, năng lực của những người đại diện cho cử tri cả nước trong xây dựng các văn bản pháp luật khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế đời sống. Chỉ có như vậy, luật mới không nằm trên… giấy, gây lãng phí cả sức người, sức của, không điều chỉnh được các hành vi trong xã hội, thậm chí còn tạo ra những kẽ hở, bất cập không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.