(HNM) - Ngày 29-7, tại Hà Nội, Hội đồng Cạnh tranh đã kết thúc phiên điều trần vụ việc mã số KNCT-HCCT-0009, với sự có mặt của đại diện 19 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ bảo hiểm (BH) là các đơn vị vi phạm. Hội đồng đã đưa ra những phán quyết cuối cùng, xử lý triệt để vụ việc…
Những thỏa thuận vi phạm
Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của 15 DN kinh doanh dịch vụ BH năm 2008 và đi đến một thỏa thuận nhằm thống nhất về mức thu phí đối với khách hàng mua BH xe ô tô. Sau đó, 4 DN khác tình nguyện tham gia nhóm này, nâng tổng số DN tham gia thỏa thuận lên 19 thành viên, trong đó có một số DN BH quen thuộc, như Công ty CP BH Bảo Tín, Tổng Công ty CP BH Bảo Việt, Công ty CP BH Bưu Điện… Nội dung chính mà các DN thỏa thuận là không hạ phí, thống nhất áp dụng mức phí 1,56%/năm thu của khách hàng mua BH xe ô tô. Việc thỏa thuận nói trên đã được các đơn vị suy tính, nghiên cứu kỹ nhằm tạo ra một mặt bằng về phí riêng của nhóm. Từ đó, 19 DN này có cơ hội lớn hơn, mang tính áp đảo và có điều kiện thuận lợi hơn để có được một thị phần lớn hơn trong tổng dung lượng thị trường BH xe ô tô cả nước, đồng thời hạn chế cạnh tranh đối với những DN khác. Hội đồng cho rằng, 19 DN nói trên đã vi phạm vào khoản 1, Điều 8 và khoản 2, Điều 9 của Luật Cạnh tranh. Một số chuyên gia cũng nhận định, việc các DN bắt tay nhau nâng phí là vi phạm các quy định của pháp luật về cạnh tranh...
19 doanh nghiệp phải nộp phạt hơn 2 tỷ đồng
Thông tin về vụ việc hé lộ và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã vào cuộc. Trước tiên, cục yêu cầu các DN chấm dứt hoạt động theo thỏa thuận được xác định là vi phạm nói trên. Công tác điều tra được khởi sự với tinh thần công tâm, nghiêm túc để làm rõ, mức độ vi phạm nhằm phân tích, đánh giá và giải quyết vụ việc một cách triệt để. Các ngành chức năng khẳng định, việc các DN câu kết với nhau là một hành động có tính toán chủ định nhằm tạo ra một lực lượng áp đảo trên thị trường, tạo ra một mặt bằng mới về phí BH, cũng như có thể triệt tiêu khả năng tiếp cận và tham gia thị trường của những DN khác. Mặt khác, người có nhu cầu mua BH cũng vì thế mà mất đi cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để mua BH, bởi họ đều gặp những DN có mức phí như nhau. Như vậy, tác hại của sự thỏa thuận giữa 19 DN trên là có thật, ảnh hưởng đến sự bình ổn và vận hành một cách tự nhiên của thị trường, gây ra tình huống khó xử lý hoặc ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong kinh doanh của các DN khác.
Hội đồng phán quyết, cả 19 DN đều có vi phạm, tuy ở những mức độ khác nhau và tuyên phạt các DN phải nộp phạt 0,025% của tổng doanh thu năm 2007 (năm trước khi xảy ra vụ việc). Tính chung, 19 DN phải nộp tổng cộng hơn 2 tỷ đồng, trong đó có một số DN phải chịu mức phạt cao, gồm Tổng Công ty CP BH Bảo Việt, Tổng Công ty CP BH Bảo Minh, Công ty BH Petrolimex… Các điều tra viên cũng kiến nghị, hội đồng thu 100 triệu đồng tiền phí phục vụ việc giải quyết vụ việc và đã được chấp thuận (19 DN sẽ chịu trách nhiệm như nhau, tức là chia đều để đóng góp đủ số tiền này).
Đại diện Công ty BH Viễn Đông cho biết, nhìn chung trên thị trường BH vẫn xảy ra cuộc chạy đua giữa các đơn vị và chủ yếu thông qua biện pháp hạ phí, tăng hoa hồng, hoặc các chi phí khác để thu hút khách. Những năm gần đây, các DN BH đã phải chi trả nhiều khoản đền bù cho thiệt hại của khách hàng do số lượng rủi ro tăng và điều đó cũng góp phần đẩy không ít DN vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên nếu DN đua nhau hạ phí BH sẽ giống như "nội chiến" và đẩy từng đơn vị vào cuộc đua không có đích, thậm chí đẩy DN vào thua lỗ, cũng như khó có thể đảm nhận hết các quyền lợi của khách hàng. Một số chuyên gia cho rằng, nếu DN kinh doanh BH gặp khó khăn cũng là gián tiếp gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường.
Phán quyết thỏa đáng
Dư luận sau phiên điều trần cho thấy, việc tổ chức điều trần và phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh là thỏa đáng và kịp thời, bởi nó đáp ứng những quy định, chuẩn mực trong kinh doanh. Đây là một tiền lệ tốt, đáp ứng sự mong mỏi của giới DN và khách hàng, là chấn chỉnh bước đầu để hoạt động này vào nền nếp và có tác dụng răn đe kịp thời. Mặt khác, việc đưa ra giải quyết, xử lý vụ việc chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật, sự nỗ lực và tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, nhất là trong bối cảnh nước ta đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, đang thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO. Qua đó, giới đầu tư và nhà kinh doanh trong, ngoài nước có thêm niềm tin vào sự nghiêm minh, bình đẳng khi tham gia hoạt động kinh tế ở Việt Nam.
Về phía các DN vi phạm cũng có những ý kiến và suy nghĩ tích cực. Đại diện nhiều đơn vị nhấn mạnh, phiên điều trần diễn ra nghiêm túc và tỏ rõ sự phân minh với thái độ đúng mực, nên các DN vi phạm cũng cảm thấy được tôn trọng. Phán quyết của hội đồng thật sự hợp lý, hợp tình và thỏa đáng, không khiên cưỡng hay thiếu sức thuyết phục, nên đã tạo không khí thân thiện, nghiêm minh và đạt hiệu quả cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.