LTS: Từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội luôn là thách thức đối với môi trường sống, khiến các bãi chôn lấp phải “oằn mình” gánh đỡ lượng rác quá tải mỗi ngày. Điều này còn gây lãng phí nguồn tài nguyên từ rác hữu cơ. Thực tế tại Hà Nội, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã hoạt động thí điểm rất hiệu quả nhưng vì nhiều lý do nên chưa được nhân rộng, rất cần khởi động lại để bảo vệ môi trường.
Bài đầu: Hạn chế lượng rác thải ra môi trường
Sau khi Đề án phân loại rác thải tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ tạm dừng từ năm 2009, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Hà Nội đã nối tiếp ý tưởng, kêu gọi người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn (rác hữu cơ, vô cơ, rác thải tái chế) nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Quá trình triển khai, bên cạnh những “điểm sáng” cần được khuyến khích nhân rộng thì vẫn còn không ít mô hình "chết yểu".
Những “điểm sáng”
Trong số những "điểm sáng" phân loại rác tại nguồn phải kể đến phong trào phân loại rác của người dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Sơn Nguyễn Thị Hợp chia sẻ, phong trào này nhen nhóm từ năm 2017 ở thôn Xuân Bảng và Xuân Thịnh. Mỗi hộ chuẩn bị một thùng đựng rác vô cơ và một thùng chứa rác hữu cơ như rau xanh, vỏ hoa quả... Sau khi phân loại, rác vô cơ các loại được mang đi xử lý, còn rác hữu cơ được các hộ ủ ngay tại vườn để tạo thành phân bón. Đến nay, mô hình đã nhân rộng toàn xã với 1.529 hội viên phụ nữ tham gia. “Sau 3 năm triển khai, việc phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm khoảng 40% lượng rác phải vận chuyển đi xử lý”, bà Hợp cho hay.
Một “điểm sáng” nữa là mô hình phân loại rác từ các căn hộ và tái chế bằng máy xử lý rác hữu cơ tại chỗ (thực hiện từ tháng 10-2019) tại tòa nhà Ecolife Tây Hồ (quận Tây Hồ). Cụ thể, các hộ dân được cung cấp các thùng đựng rác để phân loại rác hữu cơ, vô cơ, độc hại... Hiện trung bình mỗi ngày, tòa nhà thu gom được 350-450kg rác hữu cơ, đưa vào máy xử lý và cho ra thành phẩm 35-55kg phân bón.
Giám đốc quản lý tòa nhà Ecolife Tây Hồ Nguyễn Hữu Thành cho biết: “Số phân bón này là nguồn cung cấp để bón cho cây cảnh, cây xanh của tòa nhà. Đáng nói, mỗi cư dân trồng rau, cây cảnh tại căn hộ có nhu cầu, đăng ký với tòa nhà sẽ được tặng 3-5kg phân bón”.
Bà Nguyễn Kiều Dung, cư dân tòa nhà Ecolife Tây Hồ phấn khởi: “Chúng tôi rất vui cùng thực hiện phân loại rác tại nhà góp phần bảo vệ môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn như vậy rất cần được nhân rộng”.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội hiện còn rất nhiều trường học, cơ quan công sở, tổ chức… phát động phong trào phân loại rác, tái sử dụng lại những sản phẩm hữu cơ, tạo thành phân bón cho những vườn hoa, cây xanh, góp phần giảm khá nhiều lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày.
Khắc phục bất cập
Thời gian qua, việc phân loại rác thải tại nguồn từng được triển khai tại một số quận, huyện của Hà Nội. Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù người dân ra sức phân loại nhưng nhân viên thu gom lại đổ chung các loại rác vào một xe mang đi xử lý. Theo bà Thân Thị Huấn, tổ 29 Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), trước đây, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đã thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn. Tuy nhiên, sau đó thấy không hiệu quả vì rác sau phân loại vẫn đổ chung vào một xe nên nhiều người không phân loại nữa.
Còn bà Trần Thị Kim, phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi không thấy công nhân vệ sinh nhắc nhở phân loại hoặc có thùng riêng để người dân phân loại rác nên không thực hiện phân loại rác từ nguồn”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) Nguyễn Cảnh Quang cũng cho rằng, trước đây, việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện theo cách cung cấp túi ni lông, thùng rác cho các hộ gia đình, dẫn đến phát sinh kinh phí nên khó khăn trong triển khai. Vì vậy, người dân cần chủ động hơn để thực hiện tốt việc phân loại rác thải.
Hiện có nhiều đơn vị đã manh nha nghiên cứu đề án phân loại rác thải tại nguồn. Ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công - đơn vị chuyên thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ, đơn vị đã xây dựng đề án thí điểm phân loại rác tại nguồn, tập trung vào các khu chung cư, bước đầu phát thùng rác miễn phí cho 1.000 hộ dân. “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư chi phí trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là sau khi thí điểm, liệu việc phân loại rác có tiếp tục được thực hiện...”, ông Phạm Thiện Lộc bày tỏ.
Những vướng mắc trên rất cần các cấp, ngành, cơ quan chức năng khắc phục, đưa ra quy định, chính sách phù hợp với lộ trình cụ thể để nhân rộng hơn nữa mô hình phân loại rác tại nguồn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.