(HNM) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, những tháng còn lại toàn bộ nền kinh tế phải nỗ lực để đạt mức tăng khoảng 7,42%...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 5,73% trong 6 tháng đầu năm 2017, trong đó GDP quý I tăng 5,15% và quý II tăng 6,17%.
Dù đạt được kết như vậy nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017. Theo nhận định của Chính phủ, muốn hoàn thành chỉ tiêu thì GDP 6 tháng còn lại phải tăng khoảng 7,42%, trong đó nông nghiệp tăng trưởng 3,05%; công nghiệp 7,34%; xây dựng 10,5%; dịch vụ 7,19%... Đáng lo ngại là nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, sẽ tác động tới mục tiêu chung cả giai đoạn 2016 - 2020, ảnh hưởng tới các cán cân vĩ mô, như nợ công, bội chi ngân sách…, thậm chí có thể khiến nền kinh tế Việt Nam bị tụt hậu.
Để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng địa phương. Trong đó, chỉ thị đề cập các nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 18%; tạo điều kiện thông thoáng cho vay vốn sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng hộ gia đình, phấn đấu giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh...
Phân tích về những lĩnh vực ảnh hưởng đến tăng trưởng, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các địa phương nên đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn; tạo cơ chế về vốn, chủ động nắm bắt thông tin thị trường để ổn định đầu ra nông sản...
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định giảm lãi suất cho vay bằng VND với các khoản vay ngắn hạn. Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%/năm cho các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu...
Cùng với đó, một số chương trình thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước được thực hiện thành công (như cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam") và tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với nền kinh tế vận hành đúng hướng, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 có thể đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.