Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Thành Tâm| 17/06/2010 07:34

(HNM) - Sáng 16-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các ý kiến đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả trước mắt và lâu dài.

* Doanh nghiệp hoạt động khai khoáng phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng hạ tầng ở địa phương
(HNM) - Sáng 16-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các ý kiến đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả trước mắt và lâu dài.

Tài nguyên khoáng sản cần được khai thác, sử dụng hợp lý. Trong ảnh: Bốc rót than tại cảng Cửa Ông. Ảnh: Công Hoan

Tăng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với thất thoát
Luật Khoáng sản được Quốc hội Khóa IX thông qua tại Kỳ họp thứ chín (có hiệu lực từ ngày 1-9-1996 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2005). Qua gần 14 năm, dù đã có vai trò nhất định về cơ sở pháp lý trong quản lý khoáng sản, nhưng theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, thực trạng hoạt động khai thác khoáng sản cũng như các vấn đề liên quan thời gian qua rất đáng lo ngại. Các đại biểu Hà Sơn Nhin (đoàn Gia Lai), Triệu Sỹ Lầu (đoàn Cao Bằng), Nguyễn Thị Nương (đoàn Cao Bằng)... cho rằng, nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, quản lý lỏng lẻo đã gây nên những hệ quả rất đáng tiếc: hiệu quả kinh tế thì không cao mà tài nguyên khoáng sản thất thoát nhiều.

Để khẳng định vai trò của tài nguyên khoáng sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) ví khoáng sản "như lương thực của công nghiệp" và thực tế các nước sử dụng rất tiết kiệm, nâng cao hiệu quả, thậm chí có chính sách tích trữ để nuôi sống nền sản xuất. Trong khi đó, ở nước ta, đại biểu Triệu Sỹ Lầu nêu con số có 1.500 doanh nghiệp khai khoáng, làm chủ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, mà đóng góp chỉ đạt 3% GDP, cho thấy thất thoát là lớn và nguồn thu chưa tương xứng. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cung cấp thêm thông tin: "Chúng ta cấp đến 4.218 giấy phép khai thác khoáng sản và toàn là khai thác thô, không chế biến".

Ô nhiễm môi trường, người dân chưa được hưởng lợi

Chiều 16-6, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu và thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với sự nhất trí cao.

Một thực trạng đáng buồn khá phổ biến khác được đại biểu Hà Sơn Nhin (đoàn Gia Lai), Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị), Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) nêu là địa phương càng giàu tài nguyên lại càng... nghèo. Ngoài việc thu được một số ít ngân sách, người dân địa phương hầu như không được hưởng lợi từ các dự án khai thác khoáng sản. Thậm chí ngược lại, hoạt động khai thác khoáng sản ồ ạt, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp còn gây hại đến môi trường sinh sống và sản xuất của người dân: nguồn nước sinh hoạt, sản xuất bị ô nhiễm; đất sản xuất bị thu hẹp và bạc màu; nảy sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực. Ở nhiều địa phương, tình trạng thiếu trách nhiệm của người quản lý, của doanh nghiệp đã dẫn đến những xung đột giữa người dân và doanh nghiệp khai khoáng, do người dân không có việc làm, tham gia khai thác khoáng sản dạng thủ công...

Nhận định và lo lắng cho tương lai, đại biểu Tống Văn Thoóng (đoàn Lai Châu), Nguyễn Thị Nương (đoàn Cao Bằng) còn nhấn mạnh đến tác động biến đổi môi sinh khu vực rừng và nước đầu nguồn, do hầu hết các vùng có khoáng sản nằm tại khu vực này. Ngoài ra, các đại biểu còn lo ngại về vấn đề một số tài nguyên đang cạn kiệt dần, nhất là những tài nguyên có ý nghĩa chiến lược. Chẳng hạn, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) băn khoăn về tài nguyên than đá, không tái tạo và đã có dấu hiệu cạn kiệt, nhưng lại được xuất khẩu quá nhiều, ở dạng thô và với giá rẻ qua biên giới. Dự kiến, sau năm 2012, nước ta lại phải nhập khẩu than, chắc chắn với giá cao hơn nhiều, để phục vụ sản xuất và dân sinh.

Cần có chiến lược lâu dài
Nguyên nhân của những thực trạng trên được các đại biểu chỉ rõ là do hệ thống cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn phân tán, chưa hợp lý như phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, công tác tổ chức lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản, khoanh định công bố khu vực khoáng sản. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản đã thực thi nhưng chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, điều kiện chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản nên chưa xóa bỏ được cơ chế "xin cho", chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản; thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách nhà nước. 

Cần có chiến lược lâu dài trong việc khai thác và sử dụng khoáng sản.

Vì vậy, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần phải xây dựng chiến lược chung về tài nguyên khoáng sản 10 năm, tầm nhìn 20 năm để thể hiện quan điểm, định hướng chính sách, tầm nhìn dài hạn của Nhà nước về khoáng sản (bao gồm các khâu điều tra, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cho sản xuất trong nước và xuất khẩu...), làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khoáng sản, tổ chức hoạt động khoáng sản trong từng thời kỳ. Đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng, để thu hồi được tài chính qua hoạt động khai khoáng thì không nên quy định về khoản thu "đền bù tài nguyên môi trường" mà nên thu qua hoạt động đấu giá quyền thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh thêm, để hạn chế tiêu cực trong quá trình chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, việc chuyển nhượng này cũng phải công khai đấu giá, qua đó thu phí cho ngân sách.

Trong thời gian sắp tới, các đại biểu cho rằng công tác quản lý hoạt động khai khoáng cần quy về một mối là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bên cạnh đó, đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Cạn), Trần Văn Tần (đoàn Tiền Giang) cho rằng nên phân cấp trách nhiệm cấp giấy phép khai thác cho các tỉnh. Thậm chí, đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi với quy mô nhỏ, đại biểu đề nghị phân cấp đến UBND cấp huyện. Song để bảo đảm việc phân cấp không dẫn đến tiêu cực hay quản lý lỏng lẻo, các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) nhấn mạnh Luật sửa đổi cần có chế tài xử lý nghiêm khắc với các vi phạm trong lĩnh vực khai khoáng.

Cũng nhằm đưa hoạt động khai khoáng dần vào nền nếp và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, các đại biểu đề xuất luật sửa đổi phải làm rõ quy định bắt buộc các doanh nghiệp có hoạt động khai khoáng thì đồng thời phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Doanh nghiệp cũng phải tổ chức hoạt động hỗ trợ để giải quyết các vấn đề xã hội cho người dân ở địa bàn khai khoáng, chẳng hạn như hỗ trợ dạy nghề để tuyển dụng hoặc dạy nghề khác theo nhu cầu... Đại biểu Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, phải áp dụng mức thuế thật cao hoặc có chính sách thắt chặt xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên dạng thô, kết hợp với quy định rõ chế tài xử lý hoạt động khai khoáng gây nguy hại đến môi trường. 

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên): "Phân cấp phải đi đôi với phân rõ trách nhiệm"
Quan trọng là phải xác định được Nhà nước cho khai thác khoáng sản thì Nhà nước thu được cái gì? Nhân dân ở vùng đó hưởng gì? Với quan điểm đó thì hệ thống chế tài quy định ở luật này chưa khả thi, xem ra có vẻ chặt chẽ, nhưng còn nhiều vấn đề cần bàn. Về thẩm quyền cấp phép thăm dò khoáng sản, theo tôi, sự phân cấp phải rõ ràng. Phân cấp phải đồng nghĩa với phân rõ trách nhiệm.

Đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): "Phải xác định lại vấn đề khi xây dựng luật"
Tôi thấy phải xác định lại cách đặt vấn đề khi xây dựng luật này, làm thế nào đó để cho khoáng sản thực sự là tài nguyên sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước phải quản lý, phải cấp phép, hay cho khai thác thế nào đấy, để bảo đảm lợi ích hài hòa, trước hết là lợi ích toàn dân, sau đó là lợi ích chủ doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích của những nơi người dân có mỏ được khai thác. Quốc hội hãy đưa ra những quyết sách nào đó để cho thế hệ tương lai không sa vào cảnh "đời cha ăn mặn, đời con khát nước".

Tư Đô
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.