(HNM) - Trong từng vấn đề dù lớn, dù nhỏ, những ý kiến phản biện vì mục đích xây dựng, vì lợi ích chung của xã hội là hết sức cần thiết. Điều đó giúp cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, có cái nhìn tổng thể để đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả.
Lấy ví dụ việc báo chí và người dân phản ánh những bất cập trong việc lát đá xanh quanh hồ Gươm, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp thị sát tình hình không chỉ một lần. Và, như chưa yên tâm trước khi đưa ra quyết định có nên làm tiếp hay không, người lãnh đạo cao nhất của thành phố còn mời thêm đồng chí Phó Bí thư Thường trực đi cùng để xem chỗ chưa làm, chỗ đang làm như thế nào?... Tiếp đó là việc tổ chức tham khảo ý kiến của người dân để so sánh sự hơn, thiệt.
Đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết, đưa ra quyết định dừng lại công việc này là điều không đơn giản, cũng như quyết định ngừng việc chôn 1.000 hiện vật trước đó chưa lâu bởi phải xem xét thận trọng, lắng nghe ý kiến nhiều chiều.
Tương tự là chuyện dự kiến xây dựng 5 cổng chào ở các tuyến cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố. Về lý thuyết, đây là việc nằm trong danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phê duyệt và giao cho địa phương thực hiện. Song cũng có những ý kiến băn khoăn về sự cần thiết, về phác thảo kiến trúc, về kinh phí xây dựng và vị trí lựa chọn... Cuối cùng chủ trương của thành phố là cân nhắc, chỉ thực hiện việc thi công cổng chào ở những tuyến đường trọng điểm với kiểu dáng thiết kế nhận được sự đồng thuận cao. Những công trình này cần tính toán phương thức xây dựng, dự toán kinh phí sao cho ít tốn kém nhất và có thể tháo dỡ, chỉnh sửa khi cần thiết...
Thời điểm này, có không ít ý kiến phàn nàn, thậm chí là sự bức xúc của người dân, của công luận khi Thủ đô trở thành "đại công trường" đúng dịp chuẩn bị đón Đại lễ kỷ niệm tròn nghìn năm tuổi. Phải khẳng định, chủ trương chỉnh trang đô thị, hạ ngầm lưới điện, cáp viễn thông, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng... là hết sức cần thiết đối với một thành phố văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, đã có một số dự án thi công dây dưa kéo dài, không bảo đảm tiến độ, gây ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Việc đào đường, đào hè có nơi diễn ra tùy tiện, gây lãng phí, thậm chí cẩu thả, thiếu trách nhiệm, không bảo đảm chất lượng... Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần kiểm tra, trực tiếp thị sát từng dự án nhưng tình hình vẫn chậm được cải thiện. Những phản ánh của người dân là hoàn toàn có căn cứ. Ví dụ như ngày 26-6 vừa qua, một số dự án chỉnh trang đô thị ở lĩnh vực giao thông vận tải được thành phố kiểm tra và kết luận không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Nhiều biện pháp quyết liệt được đưa ra, trong đó đề cập tới cả khả năng thay thế chủ đầu tư, đơn vị thi công nếu thấy cần thiết...
Các ví dụ trên cho thấy, những góp ý phản biện mang tính xây dựng của công luận và người dân là hết sức cần thiết và thái độ của lãnh đạo thành phố là cầu thị, nghiêm túc tiếp thu phản ánh từ dư luận. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển, tiết kiệm của cải cho xã hội (thông qua nguồn kinh phí đầu tư) và hạn chế những chi tiêu lãng phí.
Phản biện và biện pháp giải quyết từng việc thông qua các ý kiến đóng góp là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Nhưng hiệu quả chỉ thực sự mang lại khi xuất hiện điểm chung giữa ý kiến phản biện và cách thức giải quyết - đó là cái tâm trong sáng của cả người phản biện và người tiếp nhận, xử lý thông tin phản biện, xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng. Một khi lợi dụng phản biện để chỉ trích, đả phá do thiếu cái tâm trong sáng thì đó chỉ là ngụy phản biện. Đương nhiên, dù cơ quan quản lý có cầu thị thế nào chăng nữa sẽ không có sự gặp nhau. Và như vậy, ngụy phản biện và hiệu quả là hai cực hoàn toàn đối lập nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.