Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phạm Công Danh bị đề nghị án 30 năm tù

Tiến Thành| 16/08/2016 20:15

(HNMO) – Chiều ngày 16-8, sau 28 ngày xét hỏi, phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã đi đến phần đề nghị án cho các bị cáo. Bị cáo Phạm Công Danh, người chịu trách nhiệm chính trong vụ án bị VKS đề nghị tuyên 30 năm tù.

Phạm Công Danh bị đề nghị án 30 năm tù


Cụ thể, VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau:

1. Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch VNCB) 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 20 năm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, tổng hình phạt tối đa mà bị cáo Danh phải chịu là 30 năm tù theo quy định pháp luật.

2. Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB) 13 – 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hình phạt là 24 – 26 năm tù.

3. Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 11 - 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 11 – 12 năm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hình phạt là 22 – 24 năm tù.

4. Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 11 – 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hình phạt là 20 – 22 năm tù.

Ngoài ra, 32 bị cáo khác trong vụ án cũng chịu từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

VKS cũng đề nghị buộc Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh và 12 công ty trực thuộc đứng tên vay tiền, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho ngân hàng VNCB.

Ngoài ra, VKS cũng đề nghị khởi tố tại tòa một số cá nhân liên quan đến vụ án. Cụ thể:

Các bị cáo khác tại phiên tòa


Nguyễn Việt Hà, TGĐ Quỹ Lộc Việt đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu có 3 công ty do Hà quản lý, từ tiền ủy thác trái phiếu của VNCB, trong khi tập đoàn Thiên Thanh không đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Hà cũng có hành vi giúp Danh rút 903 tỷ đồng. VKS đề nghị khởi tố Hà về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”) là người giúp sức tích cực cho Danh tìm khách hàng. Cần khởi tố điều tra hành vi cố ý làm trái của Trang khi giúp sức với Danh rút 63 tỷ đồng từ việc nâng cấp hệ thống CoreBanking. Đại diện VKS kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của Trang.

VKS đề nghị truy tố tại tòa với nhóm Hứa Thị Phấn và 29 cá nhân khác do việc chuyển giao ngân hàng Đại Tín có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc chuyển mua cổ phần ngân hàng, mua bán lòng vòng, cần phải khởi tố điều tra tội lừa đảo, trốn thuế của các đối tượng có liên quan.

Ngoài ra, VKS cũng đề nghị điều tra làm rõ hành vi của nhóm cán bộ nằm trong Hội đồng tín dụng của Đại Tín đã duyệt hồ sơ vay, chấp nhận sử dụng tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại sân vận động Chi Lăng được định giá theo chứng thư thẩm định với giá trị 913 tỷ đồng, đây là giá tài sản hình thành trong tương lai với 2 khoản vay, gây thiệt hại 477 tỷ đồng cho VNCB.
Box
Theo cáo trạng sơ thẩm, Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB) đã lập 29 doanh nghiệp nhờ người thân, quen của Danh đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữa cổ phần của VNCB. Thực chất, Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB làm ăn ngày càng thua lỗ, thiệt hại lên tới hơn 9 nghìn tỷ đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm Công Danh bị đề nghị án 30 năm tù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.