Pháp luật

Tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

Thanh Tàu - Minh Đức. 23/08/2024 - 19:21

Ngày 23-8, sau gần một tuần nghị án kéo dài, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

39000.jpeg
Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo. Ảnh: Minh Đức

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 1-2014 đến tháng 7-2021) 19 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ” hơn 7,1 tỷ đồng; 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung là 25 năm tù giam.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Kỳ Hình không làm đúng chức trách, buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài, vì vụ lợi cá nhân nhận tiền của các bị cáo đơn vị đăng kiểm tư nhân hơn 7,1 tỷ đồng.

z5758792031604_8ae29ffd4afe8fe98c6502f1a150d19a.jpg
Bị cáo Trần Kỳ Hình. Ảnh: Nghiêm Ý

Ngoài ra, bị cáo Hình còn lợi dụng vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật, phê duyệt thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đúng quy định. Bị cáo Hình đã nộp lại 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD khắc phục hậu quả.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 8-2021 đến tháng 12-2022) 19 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Hà đã thiếu giám sát và chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm trên cả nước nhận hối lộ, từ đó để xảy ra tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài.

z5758792013319_bcf198e85e64370ac667c11e2c132b3a.jpg
Bị cáo Đặng Việt Hà. Ảnh: Nghiêm Ý

Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Hà vì vụ lợi cá nhân, khi nhận nhiệm vụ cục trưởng, chỉ đạo cấp dưới nâng mức tiền nhận hối lộ của bản thân cao nhất, vì vậy, bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung với số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới - Phòng VAR (Cục Đăng kiểm Việt Nam) 31 tỷ đồng và một số trung tâm đăng kiểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tổng số tiền bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung là hơn 40 tỷ đồng, hưởng lợi 8,55 tỷ đồng. Bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi; bị cáo Trần Anh Quân (nguyên Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - Phòng VAR) 14 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”.

z5758792044865_a05401c272481275a7b1895e9dba92e3.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nghiêm Ý

Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Hải (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông) 4 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Đặc biệt, bị cáo Trần Lập Nghĩa (chủ nhiều Trung tâm đăng kiểm) bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”; 12 năm tù về “Tội giả mạo trong công tác”; 5 năm tù giam về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù giam.

Các bị cáo còn lại trong vụ án bị kết án từ 1 năm tù đến hơn 20 năm tù giam, trong đó, có nhiều bị cáo được hưởng án treo. Riêng bị cáo Đỗ Trung Học, Trưởng phòng tàu sông đang bị truy nã. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt vắng mặt bị cáo Đỗ Trung Học 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo đã khiến đội ngũ cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất, dẫn đến mất lòng tin của nhân dân đối với ngành đăng kiểm; gián tiếp gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của con người do các phương tiện đăng kiểm không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia giao thông, gây ra tai nạn và để lại hậu quả. Vì thế, quan điểm của Hội đồng xét xử phải xét xử nghiêm khắc đối với các bị cáo là lãnh đạo Cục, chủ đầu tư, trung tâm tư nhân theo mức án Viện Kiểm sát đề nghị.

Đối với các bị cáo là người làm thuê, có quan hệ lệ thuộc cấp dưới cấp trên, làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo cấp trên, các bị cáo này không nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội nên Hội đồng xét xử xem xét kết hợp với các tình tiết giảm nhẹ; nhất là các bị cáo chủ động khai báo, tích cực hợp tác cơ quan điều tra.

1333.jpg
Lực lượng an ninh kiểm tra sáng 23-8-2024. Ảnh: Văn Hào

Đối với các bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ, hưởng án treo là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng pháp luật. Các tình tiết như tự thú, trong thời gian công tác có thành tích xuất sắc, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; bản thân hoặc gia đình có công với cách mạng, tự nguyện nộp tiền hưởng lợi, hoàn cảnh khó khăn và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt từ các tổ chức liên quan bị thiệt hại, các bị cáo đang mắc bệnh nặng…

Về quan điểm của các luật sư và một số bị cáo đề nghị tính toán lại số tiền bị cáo chịu trách nhiệm, chỉ buộc chịu trách nhiệm số tiền hưởng lợi, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận. Bởi thời gian vi phạm của các bị cáo kéo dài, dữ liệu từ năm 2020 trở về trước không còn lưu giữ, vì vậy, cơ quan điều tra sau khi khởi tố đã mất nhiều thời gian thu thập chứng cứ chứng minh.

Các bị cáo đều xác định quá trình điều tra khách quan, không bị ép cung. Đồng thời, luật sư và bị cáo đều cho biết đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Về việc tách việc nhận hối lộ với việc được bồi dưỡng, Hội đồng xét xử xác định, pháp luật không cho phép đăng kiểm viên nhận tiền bồi dưỡng trong khi đăng kiểm, nên việc nhận bồi dưỡng là hình thức của nhận hối lộ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.