Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi thói quen!

Thế Văn| 30/07/2022 06:43

(HNM) - Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 25-8-2022, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải rắn hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng chế tài xử phạt sẽ chỉ được thực hiện sau ngày 31-12-2024, tạo khoảng thời gian cần thiết cho lộ trình xây dựng văn bản pháp quy liên quan, hình thành thói quen, giúp chính sách dễ dàng đi vào đời sống.

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị các bước tiến hành lấy ý kiến góp ý xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể, từ đó, các tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác ở các địa phương để có những quy định chi tiết… Có thể nhận định, câu chuyện phân loại rác tại nguồn sẽ kéo dài cùng hàng loạt vấn đề cần giải quyết.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện tại, để các cư dân đô thị có thể phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, chất thải là thực phẩm và các chất thải rắn trong sinh hoạt là cả một vấn đề. Đây không chỉ là câu chuyện thay đổi thói quen vốn đã rất cố hữu với mỗi người mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, đặc biệt là cơ sở vật chất của mỗi gia đình trong khu vực nội đô - đa phần có diện tích nhỏ hẹp, không thuận lợi cho việc bố trí nhiều thùng đựng rác để phân loại tại nguồn. Chưa kể, việc đầu tư trang thiết bị thu gom, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải sau phân loại cũng chưa được quan tâm…

Trong khi phân loại rác tại nguồn còn nhiều vấn đề phải bàn thì quy định cấm, chế tài xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra đường phố đã được ban hành từ nhiều năm trước cũng chưa đi vào đời sống. Hằng ngày, đi quanh các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp những túi rác bên gốc cây, vỉa hè, thậm chí có nơi rác chất thành đống, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Nguyên nhân chính là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao; các cấp, ngành chưa thực sự vào cuộc để ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi.

Để phố phường Hà Nội không còn những tụ điểm rác thải mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng cư dân, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tới mỗi người dân, góp phần đẩy lùi vấn nạn xả rác bừa bãi ra nơi công cộng, hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định.

Các doanh nghiệp thu gom rác thải đô thị, vệ sinh môi trường cần chủ động đầu tư phương tiện phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ dân phố lập phương án, đồng bộ hóa thu gom rác thải sinh hoạt đã phân loại, bảo đảm đúng giờ, đúng nơi quy định, vận chuyển an toàn về các khu vực xử lý cho các mục đích khác nhau như tái chế, làm phân bón hữu cơ…

Xử lý triệt để vấn nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng, nâng cao chất lượng môi trường tại các đô thị vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ để phát triển bền vững. Do đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn phân loại, xử lý rác tại nguồn, các địa phương cần quy định nhiệm vụ cho lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Và điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần thay đổi nhận thức, thói quen, nâng cao trách nhiệm, chung tay giữ gìn môi trường sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi thói quen!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.