Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải tách bạch chức năng

Kính Lúp| 26/11/2014 06:33

(HNM) - Tại diễn đàn Quốc hội, có nhiều ý kiến đề cập đến dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.



Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí thông qua dự án luật này và kiến nghị cần thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước. Hoặc là thành lập mới một doanh nghiệp độc lập để quản lý vốn nhà nước, hoặc nâng cấp Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước (thuộc Bộ Tài chính) thành "siêu" doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước trực thuộc Chính phủ. Bởi như vậy sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đồng thời việc sử dụng nguồn vốn nhà nước trong các DNNN sẽ hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Theo giới chuyên gia kinh tế, vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là vốn DNNN đang sở hữu là hơn 1 triệu tỷ đồng, thì lợi nhuận tương ứng đóng góp vào NSNN ít nhất cũng phải 500 nghìn tỷ đồng, kém hơn cũng phải bằng nửa số này. Nhưng, thực tế thời gian qua Nhà nước không thu được bao nhiêu, năm 2013 khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng (cổ tức).

Cũng thời gian qua, các DNNN hoạt động chưa hiệu quả là vì cơ chế quản lý không rõ ràng, nên một DNNN phải báo cáo cho nhiều bộ, ngành liên quan. Chưa kể ở nhiều địa phương do sự chậm chạp của bộ máy hành chính nên việc trình duyệt cũng mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều quyết định của DNNN chậm vào cuộc sống. Vì thế cần phải tách bạch được việc quản lý với việc sử dụng vốn chủ sở hữu tại DN. Tuy nhiên, để làm được việc này, cơ quan quản lý phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, ở cấp bộ có nhiều nhiệm vụ, không phải chỉ lo cho DNNN, mà còn DN FDI và các thành phần kinh tế khác. Do đó, bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước mới bảo đảm minh bạch, nhưng nay vừa quản lý lại vừa đại diện vốn chủ sở hữu thì khó có thể công bằng và không hiệu quả chính trong công việc quản lý.

Từ những nhận định nêu trên, có thể thấy, việc tìm ra mô hình phù hợp để thay thế các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DNNN là cần thiết. Và nếu dự luật này được thông qua, cấp có thẩm quyền sẽ phải có kế hoạch xây dựng mô hình quản lý này và có lộ trình thực hiện cụ thể. Vì, hiện nay vẫn còn hơn 1.000 DN, trong đó có nhiều DN lớn, quan trọng cần phải sắp xếp, đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải tách bạch chức năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.