Tổng cục Thống kê vừa đưa ra những nhận định, đánh giá về kinh tế Việt Nam và các động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Năm 2025 - Thuận lợi, khó khăn đan xen
Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn nhưng không đồng đều giữa các quốc gia.
Các tổ chức như OECD, IMF và EU nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2025 tăng nhẹ hoặc ổn định ở mức 3,2%-3,3%.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức, như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu, thiếu hụt nguồn cung.
Lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đứng trước khó khăn và thuận lợi đan xen. Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA.
Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7%-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ.
Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do.
Đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ. Tương tự, quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đang được triển khai sâu rộng trong cả bộ máy nhà nước, cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển.
Ngược lại, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rủi ro, thách thức của kinh tế toàn cầu, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam cả ở tầm vĩ mô và vi mô.
Thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chưa có sự ổn định, chồng chéo. Động lực truyền thống chưa được làm mới, các điểm nghẽn đầu tư đang được nhận diện và xử lý nhưng hiệu quả chưa cao.
Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước. Thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng.
Các yếu tố tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng là gì?
Theo Tổng cục Thống kê, giữa khó khăn, rủi ro và thuận lợi, có thể nhận diện được những yếu tố tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng. Trước hết, những yếu tố tích cực của kinh tế thế giới sẽ tạo điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.
Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Các cấp, ngành trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp nhận, tháo gỡ vướng mắc đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh, qua đó củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.
Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Tận dụng các hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, thị trường Hala; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Đặc biệt, đầu tư công được thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt.
Chính phủ đã chỉ rõ kế hoạch đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó, sẽ tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, các công trình giao thông quan trọng quốc gia có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…
Các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân sẽ thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu, logistics, bất động sản, sản xuất công nghiệp... được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.
Một số giải pháp để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng
Nhìn lại thời kỳ phát triển của đất nước hơn 40 năm qua, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới kinh tế năm 1986, có một thời kỳ dài 5 năm từ 1992-1996 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất cao, bình quân đạt 8,8%/năm.
Đó là những năm đất nước dần thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái kéo dài và bật nhanh do những đột phá về tư duy, cởi trói cho hoạt động sản xuất, và bắt đầu bước ra thế giới.
Tính từ năm 2011 trở lại đây, chỉ duy nhất năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt nam đạt 8,54% do nền năm 2021 tăng thấp và bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 GDP tăng 2,55%).
Như vậy, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới, diễn biến và nội lực của kinh tế Việt Nam những năm qua, mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư; khai thác tốt tiềm năng nội tại và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế.
Khuyến nghị về giải pháp, Tổng cục Thống kê cho rằng, trước hết cần chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh và hiệu quả, trong đó tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng.
Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…
Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)… đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.