(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa kiến nghị tăng gấp đôi mức xử lý vi phạm giao thông, cho phép thu phương tiện đua xe trái phép, tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính đến 10 ngày đối với các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, đi ngược chiều, chở quá số người theo quy định...
Đây được xem là một trong những biện pháp mạnh thể hiện sự quyết tâm của thành phố trong việc giảm thiểu số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông, bảo đảm tính răn đe với một số hành vi vi phạm giao thông, đồng thời nâng cao ý thức giao thông của người dân.
Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, một trong những biện pháp ngăn chặn vi phạm giao thông nội đô. Ảnh: Như Ý |
Chị Nguyễn Thị Yến (phố Nguyễn Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy): Nên tịch thu, bán đấu giá phương tiện đua xe trái phép
Theo Nghị định (NĐ) 34/NĐ-CP hiện hành, hành vi đua mô tô trái phép bị phạt 10-20 triệu đồng; đua ô tô trái phép bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng... Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện với điều kiện phương tiện được sử dụng để đua xe trái phép là của chính chủ. Đây chính là "kẽ hở" của NĐ 34/NĐ-CP. Nhiều đối tượng đua xe trái phép chỉ cần "lách luật" bằng cách đi mượn xe, thậm chí thuê xe để tham gia đua xe trái phép. Trường hợp bị lực lượng chức năng tạm giữ, các đối tượng đua xe trái phép chỉ cần nộp phạt là có thể ung dung nhận lại phương tiện. Tôi đã chứng kiến một vụ tai nạn thương tâm ngay trên đường Lương Thế Vinh, khi một phụ nữ hốt hoảng lao vào lề đường để tránh các đối tượng đua xe trái phép trên đường phố. Ai cũng biết những hậu quả khôn lường mà hành vi đua xe trái phép trên đường phố có thể gây ra bất cứ lúc nào với người tham gia giao thông và với chính người đua xe. Vì vậy, tịch thu phương tiện là biện pháp mạnh, góp phần ngăn chặn những ai đã và đang có ý định tổ chức, tham gia đua xe trái phép. Sau khi tịch thu, chúng ta không nên tiêu hủy, mà bán đấu giá phương tiện đua xe trái phép, tạo nguồn cho các quỹ từ thiện.
Ông Phạm Hữu Quang (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa): Tăng cường giám sát người thực thi pháp luật
Tuy đồng tình với đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông trong nội đô, nhưng tôi nghĩ cũng cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định chính thức. Đối với người vi phạm bị xử phạt thì tương đối rõ, nhưng về trách nhiệm người thực thi pháp luật trong công tác kiểm tra, xử phạt như thế nào cũng cần phải công khai cho người dân biết. Mục đích của việc công khai là nhằm hạn chế tiêu cực trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông như thỏa thuận mức tiền bồi dưỡng trực tiếp cho cán bộ xử lý thấp hơn mức tiền phạt và như vậy mức tiền phạt càng cao, càng dễ tiêu cực, dẫn đến nhờn luật.
Anh Lê Như Quý (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên): Chấm dứt tình trạng "trốn" chuyển quyền sở hữu phương tiện
Trong những kiến nghị của Hà Nội về nâng mức xử lý vi phạm giao thông trong nội đô, tôi tâm đắc nhất với đề xuất tăng gấp đôi mức phạt đối với chủ phương tiện vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Lâu nay, do thiếu chế tài xử phạt và sự yếu kém trong quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền, tình trạng ô tô, xe máy bị mua đi bán lại nhiều lần, nhưng chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện diễn ra rất phổ biến. Đây là nguyên nhân chính khiến việc lắp đặt camera để "phạt nguội" người vi phạm không phát huy tác dụng. Nhiều vụ tai nạn giao thông, người bị hại nhớ được biển kiểm soát, nhưng cơ quan chức năng không thể truy tìm được ai là chủ phương tiện... Chưa kể Nhà nước còn thất thu khoản tiền không nhỏ do việc "trốn" sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (phố Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm): Cần nâng cao văn hóa tham gia giao thông
Áp dụng hình phạt nghiêm khắc là nhằm mục đích răn đe, đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nhưng ở đây cần phân biệt giữa hành vi cố tình và lỗi vô tình. Tôi đã từng bị phạt lỗi rẽ không báo tín hiệu và đi sai làn đường. Đó hoàn toàn do vô tình không để ý và chỉ bị phạt một lần là nhớ đời, không tái phạm lần hai. Còn những người tham gia đua xe, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều... thường do chủ ý, thì dù có phạt vài lần họ vẫn cứ tái phạm. Ý thức tham gia giao thông còn ở chỗ phải biết nhường tránh đường, mở lối đi cho người và các phương tiện khác. Ở nhiều ngã ba, ngã tư có biển báo đèn đỏ cho phép các phương tiện rẽ phải, nhưng những người đi thẳng cứ mặc nhiên dừng, đỗ lấn hết đường rẽ phải, gây ùn tắc giao thông. Với những lỗi như vậy, chưa thấy xử phạt nhiều hoặc nếu xử phạt thì cũng không xuể, nên nhiều người cho rằng cần phải nâng cao văn hóa tham gia giao thông hơn tăng mức xử phạt là có cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.