Đó là lời nhận xét của TS. Luật sư Trịnh Văn Quyết về việc tham gia vào cuộc chơi của các tập đoàn đa quốc gia của Việt Nam tại tọa đàm
Theo vị luật sư này, vấn đề mấu chốt của việc đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia là: Họ để lại gì ở Việt Nam? |
Trong mấy năm gần đây, hình ảnh của các doanh nghiệp FDI đang có chiều hướng đi xuống khi hàng loạt doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, không nộp thuế, nhiều doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng nộp ngân sách Nhà nước chẳng đáng bao nhiêu. Không chỉ có vậy, câu chuyện chuyển giá của doanh nghiệp FDI lại dần bị phanh phui và thậm chí đang có dấu hiệu mất kiểm soát.
Trước những băn khoăn này, TS. Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nói: "Tôi cho rằng chúng ta cũng phải rất công bằng khi đánh giá đến vai trò của các doanh nghiệp FDI. Không thể vì những câu chuyện xấu kia mà lại phủ nhận sạch trơn những đóng góp quan trọng của khối doanh nghiệp này."
Theo ông Quyết, thì khoảng chục năm về trước, FDI được mọi diễn đàn doanh nghiệp, kinh tế nhắc đến với một hình ảnh vô cùng tốt đẹp, FDI khi đó là một chìa khóa quan trọng để giải quyết bài toán thiếu vốn, thiếu công nghệ và cả kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây, vai trò của FDI lại được các diễn đàn mổ xẻ về khía cạnh tiêu cực. Những hình ảnh xấu của doanh nghiệp FDI đã xuất hiện nhiều hơn, liên tục hơn trên các diễn đàn, và điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên luồng dư luận như hiện nay.
"Đã là cuộc chơi thì luôn có hai mặt. Việt Nam chúng ta đã chơi cuộc chơi đó, và tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chơi cuộc chơi này. Phải có cuộc chơi lớn thì mới có giải thưởng lớn", ông Quyết bình luận.
Bằng việc so sánh giữa hình ảnh của một ruộng lúa nhỏ và một đồn điền hay trang trại lớn được đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ trồng trọt tiên tiến, được quản lý bằng máy móc, TS. Luật sư Trịnh văn Quyết đã giải thích được lý do vì sao Việt Nam cần "cuộc chơi lớn".
"Nhiều người cứ bảo các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam vơ vét hết tài nguyên, rồi mang hết về chính quốc, không vì cộng đồng gì chúng ta cả. Tôi thì cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải làm vì lợi nhuận và do vậy họ đi đầu tư phải làm sao mang được tiền về", ông Quyết nói.
Theo vị luật sư này, vấn đề mấu chốt của việc đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia là: Họ để lại gì ở Việt Nam?
Có thể nhìn lại con số thống kê sợ bộ được công bố ngày 17/1 của Tổng cục Hải quan, năm 2013 vừa qua để đánh giá xem các tập đoàn đa quốc gia đã "để lại gì" ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt 80,91 tỷ USD (chưa tính dầu thô), tăng 26,3% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 74,23 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả năm 2013 thì tổng giá trị xuất-nhập khẩu hàng hóa mà các doanh nghiệp FDI mang lại là 155,14 tỷ đồng, chiếm tới 58,8% tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước (264,261 tỷ đồng) trong đó xuất khẩu chiếm 61,2% và nhập khẩu chiếm 56,3%.
"Rõ ràng là nhiều thứ vô hình và hữu hình. Vô hình như tạo dựng tác phong công nghiệp cho người công nhân, người quản lý Việt Nam. Hữu hình như cơ sở vật chất, cái cầu đường họ làm cho mình.", ông Quyết kết luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.