(HNM) - Thông tin thu hút dư luận mấy ngày qua là dự thảo nghị định liên quan đến giao dịch tiền mặt, quy định bắt buộc người dân mua nhà, chứng khoán, ô tô, thậm chí cả xe máy, xe đạp điện… nếu quá hạn mức phải thanh toán qua ngân hàng, không được dùng tiền mặt.
Thực tế quy định này là hợp lý khi nhiều giao dịch lớn đang được người dân dùng tiền mặt để trốn thuế, để giấu giếm tài sản. Giao dịch tiền mặt cũng chính là kẽ hở để tội phạm tham nhũng, rửa tiền lợi dụng. Vì thế, quản lý giao dịch tiền mặt được xem là "nhất cử, lưỡng tiện" trong công tác quản lý, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, xét về tính khả thi của biện pháp này vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần thì còn nhiều cấn cá.
Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 161 về thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, 6 năm qua, văn bản này gần như không có ảnh hưởng đến đời sống người dân vì nó chủ yếu được áp dụng cho các khoản chi liên quan đến vốn nhà nước, ngân sách nhà nước. Còn với người dân, tín dụng tiền mặt vẫn là phổ biến. Điều này một phần là do tâm lý, truyền thống, nhưng một mặt khác không kém phần quan trọng chính là phương tiện, hạ tầng cũng như các chính sách của ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tạo được thuận lợi để khuyến khích người dân.
Dự thảo nghị định nói trên quy định: Trong năm 2013, cá nhân phải có tài khoản ngân hàng; các giao dịch lớn hơn 200 triệu đồng phải thanh toán không dùng tiền mặt; đến năm 2015 mọi công dân trên 18 tuổi phải có tài khoản ngân hàng; khi giao dịch cần có chứng từ ngân hàng mới được coi là "chi phí hợp lệ"; các thủ tục đăng ký xe, làm sổ đỏ… cần phải thanh toán qua ngân hàng mới thực hiện được. Vấn đề là, nếu ngay tức thì "lệnh" cấm được thực thi, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được thì người dân sẽ thanh toán bằng hình thức nào khi thanh toán bằng vàng và ngoại tệ cũng bị cấm? Đó là chưa kể giao dịch qua ngân hàng chỉ thuận tiện với cư dân đô thị, nhưng chắc chắn bất tiện với người dân các vùng khó khăn về địa hình.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng ngay bây giờ thực hiện quy định này thì chỉ ngân hàng có lợi. Chúng ta đã từng đưa việc chi trả lương hưu cũng như một số lĩnh vực khác phải thực hiện qua tài khoản ATM, nhưng qua nhiều năm đến nay việc này vẫn tồn tại không ít phiền hà, một trong số ấy chính là việc phải đóng phí giao dịch cho ngân hàng. Như vậy, để thuyết phục người dân lựa chọn giữa việc giao dịch kiểu "tiền trao, cháo múc" dân dã đơn giản lại "miễn phí" với việc thực hiện qua ngân hàng vừa rườm rà vừa tốn thêm tiền quả là điều chẳng dễ dàng nếu không tạo được những thuận tiện cho họ.
Giờ đây, nếu thực hiện quy định này, hẳn nhiên người dân sẽ phải chuyển tất cả các loại tài sản tích lũy như vàng, ngoại tệ vào ngân hàng để bảo đảm giao dịch được thực hiện. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chưa chứng tỏ được là "chiếc két an toàn nhất" để người dân "chọn mặt gửi vàng". Không ai dám khẳng định ngân hàng thì không phá sản, mà khi ấy theo Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 thì mức bảo hiểm cho người gửi còn tùy thuộc vào tình hình thực tế, điều mà người dân vốn chưa vững tin vì theo quy định của luật lúc chưa sửa đổi thì mức trả bảo hiểm không quá 50 triệu đồng.
Có thể nói, việc hạn chế thanh toán tiền mặt là cần thiết, nhưng cũng không thể coi là "phao cứu sinh" cho truyền thống thanh toán bằng tiền mặt hiện nay. Xây dựng quy chế về thanh toán "phi tiền mặt" cũng khó tránh khỏi có những quy định mang tính hành chính, khó thỏa mãn ý muốn của mọi đối tượng. Nhưng các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ để luật có thể đi vào cuộc sống. Chủ trương đúng nhưng việc thực hiện phải có lộ trình phù hợp để tránh gây phiền hà cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.